Bộ Xây dựng và BIDV phối hợp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản

PV.

(Tài chính) Nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 07/12/2012 về việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian còn lại của năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, ngày 14/12/2012, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Tình hình thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ cuối năm 2009 đến nay khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp thi công xây lắp và doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản, chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn của Đảng, Nhà nước và cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là tầng lớp nhân dân lao động thu nhập thấp.

BIDV, với tư cách là một tổ chức tín dụng lớn của Nhà nước, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực phấn đấu khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính, BIDV cũng luôn chú trọng và tích cực triển khai có hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, BIDV cũng luôn là đơn vị tiên phong trong việc triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Hiện tại, BIDV cũng đã và đang triển khai các chương trình phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng với định hướng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án mà còn tập trung hỗ trợ cả thị trường đầu ra với gói tín dụng dành cho người mua nhà.

Để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản và triển khai thành công, có hiệu quả chương trình xây dựng nhà ở xã hội, BIDV đã và đang chủ động nghiên cứu đề xuất kiến nghị trình Chính phủ những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đề xuất thành lập định chế tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở... Đặc biệt, nhằm tích cực hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp, trung bình, BIDV đã phối hợp với Bộ Xây dựng ký kết “Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 - 2015”.  Theo thỏa thuận được ký kết, trong giai đoạn 2013 - 2015, BIDV cam kết dành gói tín dụng trung dài hạn quy mô 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó:

(1) Đối với Chủ đầu tư thực hiện dự án: Doanh số cho vay tối đa là 10.500 tỷ đồng (chiếm 35% gói tín dụng); Mức cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư của dự án; Lãi suất cho vay bằng lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); Thời gian cho vay tối đa 05 năm.

(2) Đối với Người mua nhà: Doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỷ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); Mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà; Lãi suất cho vay thấp hơn 10% (tức chỉ bằng 90%) so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các TCTD; mức lãi suất có thể thấp hơn trong trường hợp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ; Thời gian cho vay tối đa 15 năm.

(3) Mức vốn cho vay cụ thể đối với từng dự án và từng khách hàng mua nhà do BIDV quyết định sau khi tiến hành thẩm định hồ sơ vay vốn.

Đối tượng được BIDV xem xét cấp tín dụng bao gồm: (1) Chủ đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích sàn căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; (2) Người mua nhà đáp ứng các điều kiện: Thuộc đối tượng được giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội; các đối tượng có thu nhập thấp, trung bình không đủ điều kiện được giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng có nhu cầu về nhà ở; các đối tượng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng đã xuống cấp hư hỏng hoặc diện tích bình quân dưới 8m2/người, các hộ gia đình thuộc diện tái định cư mà chưa được Nhà nước bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư; (3) Chính quyền địa phương trực tiếp triển khai đầu tư hoặc mua lại nhà ở phục vụ cho các chương trình nhà ở tái định cư, nhà ở cho các gia đình chính sách, nhà ở cho cán bộ công nhân viên thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Bộ Xây dựng và BIDV cũng thống nhất sẽ thành lập Nhóm công tác để điều phối hoạt động của Chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để Chương trình hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Mục tiêu của chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại dành cho đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho đầu vào là các chủ đầu tư xây dựng dự án và đầu ra là người có nhu cầu thực về nhà ở. Đồng thời, chương trình cũng nhằm phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan và các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng.

BIDV hy vọng Thỏa thuận phối hợp triển khai hợp tác giữa Bộ Xây dựng và BIDV ngày hôm nay sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn, vướng mắc của Chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án Nhà ở xã hội, đồng thời cũng góp phần tạo điều kiện để đông đảo người dân lao động thu nhập thấp có được được ngôi nhà riêng của mình.

Hiện tại, BIDV cũng đã và đang triển khai các chương trình phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng với định hướng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án mà còn tập trung hỗ trợ cả thị trường đầu ra với gói tín dụng dành cho người mua nhà, cụ thể:

+ Chương trình tín dụng 2.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp. Chương trình này hướng đến việc tài trợ vốn cho các chủ đầu tư dự án với mức cho vay bằng 70% tổng mức đầu tư và lãi suất cho vay bằng lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Hiện tại, BIDV đã phê duyệt cho vay các dự án thuộc chương trình này là 653 tỷ đồng (~32.65% quy mô gói tín dụng), trong đó số tiền đã giải ngân đến thời điểm hiện tại là 350 tỷ đồng (~53% giá trị các hợp đồng cho vay đã ký).

+ Chương trình tín dụng 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà với mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị căn nhà, thời gian vay vốn lên tới 15 năm và lãi suất trong 06 tháng đầu hiện tại là 12%/năm. Hiện tại, doanh số giải ngân của gói tín dụng đạt 647 tỷ đồng và dư nợ là 620 tỷ đồng.

+ Bên cạnh đó, nếu tính chung các khoản cho vay liên quan đến nhà ở (mua, sửa chữa, xây mới…), dư nợ cho vay nhà ở hiện tại của BIDV lên tới gần 15.800 tỷ đồng (~5.2% quy mô dư nợ của BIDV).

+ Hiện nay, ngoài chương trình tài trợ các dự án nhà ở thu nhập thấp, BIDV cũng đã và đang xem xét tài trợ tài trợ 03 dự án thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm của TP.Hồ Chí Minh với tổng số tiền BIDV cam kết tài trợ là 6.806 tỷ đồng.

Thông qua việc tài trợ vốn của BIDV, các Chủ đầu tư đã tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án bảo đảm giao nhà cho người mua theo đúng thời gian đã cam kết; Tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư xây dựng nhằm giảm giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân thu nhập thấp có thể tiếp cận mua nhà; Công bố rộng rãi, đầy đủ các thông tin về giá bán, chính sách ưu đãi cho người dân mua nhà; Thực hiện đầy đủ các cam kết, chính sách hậu mãi đối với khách hàng mua nhà cả trước, trong và sau khi bàn giao nhà...

Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ đã được công bố trước đây, việc dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng một lần nữa khẳng định BIDV luôn là ngân hàng tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ, là ngân hàng luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ với cộng đồng. Đây cũng là hành động thiết thực của Bộ Xây dựng và BIDV nhằm phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.