Bóc trần thủ đoạn chiếm đoạt tiền bằng hồ sơ vay vốn ảo

Theo ktdt.vn

Thời gian gần đây, TAND TP Hà Nội liên tiếp đưa ra xét xử các vụ án dùng hồ sơ ảo để vay vốn ngân hàng.

Vừa qua, vụ việc Hoàng Minh Hiệp (41 tuổi, ở phường Cát Linh, quận Đống Đa) tự đứng ra thành lập 2 công ty rồi lôi kéo nhiều người cùng tạo lập hồ sơ khống để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của tổ chức tín dụng được đưa ra xét xử đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các ngân hàng trong việc thẩm định trước khi cho vay vốn.

Theo cáo trạng, bị cáo Hiệp bị đưa ra xem xét về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giữ vai trò đồng phạm, giúp sức là Trương Ánh Điệp (SN 1980, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, vợ Hiệp) và 4 bị cáo liên quan.

Quá trình điều tra đã làm rõ, Hiệp là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Kinh tế Hoàng Gia (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia). Tiếp đó, Hiệp cho ra đời Công ty TNHH Kim loại Hoàng Gia (gọi tắt là Công ty Kim loại Hoàng Gia) và giao cho Điệp làm giám đốc.

Quá trình hoạt động, Hiệp đã sử dụng pháp nhân của 2 công ty trên để ký hợp đồng mua bán thép khống, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, biên bản giao nhận hàng hóa khống, làm giả hợp đồng thuê kho và biên bản xác nhận hàng hóa để thực hiện hành vi lừa đảo ngân hàng nhằm mục đích vay tiền.

Để làm được điều này, Hiệp đã chỉ đạo Vũ Thị Thuận (33 tuổi, kế toán Công ty Hoàng Gia) và Đinh Minh Ngọc (27 tuổi, kế toán Công ty Kim loại Hoàng Gia) trực tiếp tạo các tài liệu khống liên quan đến tài sản của 2 Công ty.

Dù biết rõ những hồ sơ do Ngọc lập là hồ sơ khống nhưng Điệp vẫn ký các hợp đồng mua bán thép khống, phiếu nhập kho... để giúp Hiệp hoàn thiện hồ sơ vay tiền của ngân hàng. Ngoài ra, giúp sức cho hành vi phạm tội của Hiệp còn có Nguyễn Thị Mai Hương (42 tuổi) - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Gia.

Hành vi phạm tội của Hương thể hiện qua việc duyệt và ký các hợp đồng mua bán thép khống, phiếu nhập kho... để giúp Hiệp hoàn thành hồ sơ vay vốn của ngân hàng.

Tham gia vào vụ án với vai trò giúp sức cho Hiệp còn có Đặng Ngọc Sơn (35 tuổi) - nhân viên kinh doanh của Công ty Hoàng Gia. Cáo trạng xác định, Sơn được Hiệp giao nhiệm vụ đưa nhân viên ngân hàng đi kiểm tra hàng hóa là sắt thép dùng làm tài sản đảm bảo tại 2 kho hàng đi thuê là Shengli và Animex.

Mặc dù biết rõ Công ty Hoàng Gia và Công ty Kim loại Hoàng Gia không có hàng hóa gửi tại 2 kho này, nhưng Sơn vẫn tìm cách giúp Hiệp thực hiện được mục đích, qua đó Hiệp đã hoàn thành hồ sơ vay vốn và chiếm đoạt của ngân hàng trên số tiền hơn 152 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này có một số nhân viên khác của ngân hàng trên tham gia vào việc tiếp nhận, nghiên cứu và thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra tài sản đảm bảo và ký duyệt giải ngân cho Công ty Hoàng Gia và Công ty Kim loại Hoàng Gia vay vốn.

Trong quá trình kiểm tra không phát hiện được Hiệp làm giả hồ sơ và tính sở hữu đối với tài sản đảm bảo dẫn đến việc ngân hàng đã cho 2 công ty của Hiệp vay số tiền rất lớn.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra hành vi gian dối của Hiệp, các nhân viên của ngân hàng trên đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế hậu quả, sau đó chủ động tố giác sự việc tới cơ quan công an, vì vậy, cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hiệp tù chung thân, bị cáo Điệp 20 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12 - 17 năm tù. Ngoài ra, HĐXX còn buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.