Bội thu từ mảng dịch vụ

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Bên cạnh nỗ lực tái cơ cấu nợ xấu, củng cố năng lực quản trị điều hành, nâng cao chất lượng tài sản, mảng dịch vụ, bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng trong quý I/2019.

Trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm. Nguồn: Internet
Trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm. Nguồn: Internet

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, muốn phân tán rủi ro từ hoạt động cho vay, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, các nhà băng nên đẩy mạnh phát triển dịch vụ… Trong thời gian tới, mảng kinh doanh này sẽ trở thành xu hướng và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tăng trưởng khả quan

Trong số các nhà băng top đầu, MB vẫn giữ được “phong độ” về vị trí lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý đầu năm đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ; riêng ngân hàng mẹ lãi 2.112 tỷ đồng.

Hầu hết các mảng kinh doanh của MB đều có kết quả tích cực: Thu nhập lãi thuần tăng 25,6%, đạt 4.135 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 59% lên 120 tỷ đồng; đáng chú ý, hoạt động dịch vụ có lãi tăng đột biến 141%, đạt 759 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ hơn cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, điển hình là TPBank và VIB. Cụ thể, TPBank vừa công bố kết quả hoạt động quý đầu năm 2019. TPBank thu về gần 853 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 340 tỷ đồng (tăng 66,3%) so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng thêm 351 tỷ đồng (tăng 37,6%) lên 1.284 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng 142 tỷ đồng (tăng 190%) lên 217 tỷ đồng…

VIB cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh lên mức 56% so với cùng kỳ, đạt 810 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 31,6% lên 1.385 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng 167,3% lên 348 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý I, ba “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước cũng đã ghi nhận tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ tăng mạnh. Trong đó, Vietcombank đang là “quán quân” mảng dịch vụ khi thu về 1.069 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ.

VietinBank và BIDV cũng ghi nhận lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng trưởng cao trong quý I, với lãi thuần từ hoạt động này lần lượt là 876 tỷ đồng và 969 tỷ đồng, tăng 64% và 17,6%.

Nhờ đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận với 5.878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 4.710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý I là 2.521 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ; VietinBank thu về hơn 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Xu hướng tất yếu

Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh cho thấy, trong số các ngân hàng kể trên có đơn vị ghi nhận nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn bởi hoạt động bảo hiểm như MB, nhưng cũng có một số ngân hàng “đi bằng hai chân” là thanh toán và bảo hiểm như trường hợp của VIB và TPBank. Trong khi đó, một số ngân hàng lớn có nguồn thu dịch vụ chủ yếu đến từ thanh toán, như Vietcombank và BIDV.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù “đi bằng một chân” hay “đi bằng hai chân” thì việc nhiều nhà băng có lãi từ dịch vụ tăng mạnh tuy không phát sinh những khoản thu đột biến cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng đang có những tăng trưởng ấn tượng, không chỉ về lượng mà còn về chất.

Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu nguồn thu ở các nhà băng theo hướng gia tăng mảng dịch vụ phù hợp với mục tiêu “siết” tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng xuống mức 14%.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển mảng dịch vụ, bán lẻ không phải xuất phát từ nguyên nhân do tín dụng không còn tăng trưởng cao như trước, mà phương thức bán hàng này được xem là xu hướng, nằm trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng nhằm giảm dần phụ thuộc vào tín dụng để phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay và gia tăng lợi nhuận bền vững.

Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia khuyến nghị tới các ngân hàng. Trong đó, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhấn mạnh: “Muốn phân tán rủi ro từ hoạt động cho vay, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng nên đẩy mạnh phát triển dịch vụ”.

Đồng quan điểm, Ts. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho rằng để tăng trưởng bền vững, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa mảng bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ…

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cho hay: “Nhiều năm trở lại đây, các nhà băng đang tìm nhiều cách để gia tăng tỷ trọng của nguồn thu nhập phi tín dụng. Trong đó, thu nhập dịch vụ được xem là nguồn thu dồi dào và ổn định nhất. Nếu như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán và góp vốn, mua cổ phần dễ bị tác động bởi thị trường thì hoạt động dịch vụ là “tiền trao cháo múc” có thu nhập bền vững hơn cả”.

Trong một báo cáo mới đây, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, nhưng mức độ tăng trưởng sẽ phân hóa rõ nét tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của từng ngân hàng.