“Bơm” 700 nghìn tỷ đồng: Vẫn còn những nỗi lo!
Lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn đang ở mức tương đối thấp và có xu hướng giảm trong thời gian tới, nhưng đứng trước khả năng điều chỉnh mức độ cho vay để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, khả năng Ngân hàng Nhà nước phải “bơm” ra thị trường gần 700 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, Chính phủ đã đặt ra “bài toán” cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22%, thay vì mức 18%. Nếu mục tiêu này đạt được, đây là năm đánh dấu sự trở lại của sau 7 năm tăng trưởng tín dưới 20%.
Lãi suất liên ngân hàng giảm
Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), trong thời gian 14-18/8 lãi suất liên ngân hàng có tăng nhẹ 0,3-0,5 điểm% các kỳ hạn, nhưng tính chung đến ngày 25/8 lãi suất liên ngân hàng đã giảm dần về mức 1-1,3%.
Theo đánh giá của NFSC, mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện tại vẫn đang tương đối thấp và tương đương với cùng thời điểm năm 2016. Dự báo mức lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong quý III/2017.
NHNN đã phát hành 15.000 tỷ đồng tín phiếu qua nghiệp vụ outright, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,3%. Trong thời gian từ 21-25/8, có 21.000 tỷ đồng tín phiếu nghiệp vụ outright đáo hạn, tính chung cả tuần, NHNN đã hút ròng 6.000 tỷ đồng.
Theo NFSC, dự kiện cuối tuần này sẽ có 15.000 tỷ đồng tín phiếu nghiệp vụ outright đáo hạn, lãi suất tín phiếu vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục 0,3-0,4%.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, cùng với những chính sách điều hành linh hoạt, lãi suất cho vay ổn định, thậm chí lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên đang có xu hướng giảm… là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng đã chỉ đạo nâng mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên ít nhất 20%. Nếu hoàn thành chỉ tiêu này, năm nay sẽ là năm đầu tiên kể từ 2010 tăng trưởng tín dụng trên 20%.
Với gợi ý trên của Thủ tướng Chính phủ, nếu đặt giả thuyết năm nay tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất là 22%, đồng nghĩa với lượng vốn “bơm” thêm, tăng thêm so với dự tính ban đầu là 4% (mục tiêu ban đầu là 18%), tương đương với khoảng 220 nghìn tỷ đồng.
Lo 700 nghìn tỷ đổ vào BĐS
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vào cuối năm 2016 ở mức khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, ứng với mức tăng trưởng 22% trong giả thiết trên, có thể có thêm khoảng 1,21 triệu tỷ đồng tăng thêm năm nay.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, 7 tháng đầu năm nay tín dụng đã tăng khoảng 9,3%, nếu theo định hướng tăng trưởng 22% nói trên, sẽ còn khoảng 698.500 tỷ đồng tăng thêm dồn trong 5 tháng cuối năm.
Nhiều chuyên gia tín dụng cho biết, từ đầu năm đến nay tín dụng đang tăng rất nhanh về dư nợ, nhất là tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho bất động sản. Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn tiếp cận vốn vay.
Theo số liệu của Cục quản lý Đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong 8 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 3.156 doanh nghiệp (tăng 65,8%), số vốn đăng ký 217.139 tỷ đồng (tăng 62,8%).
Điều đó cho thấy, bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Do đó, nếu tín dụng tăng ồ ạt, hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà là bất động sản.
Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết, tổng dư nợ cho vay bất động sản ở mức khoảng 8% trên tổng tín dụng, nhưng cho vay tiêu dùng thực chất phần lớn là cho vay bất động sản, nếu cộng cả con số đó vào phải trên 10%.
Lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn đang ở mức tương đối thấp và có xu hướng giảm trong thời gian tới, nhưng đứng trước khả năng điều chỉnh mức độ cho vay để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, khả năng Ngân hàng Nhà nước phải “bơm” ra thị trường gần 700 nghìn tỷ đồng.
Cuối năm là thời điểm nhu cầu bất động sản bùng phát, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ và bất động sản nghỉ dưỡng._Tốc độ vay tiêu dùng mua nhà của người dân tăng nhanh trong thời gian qua, dự kiến 5 tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh.
Vậy, có cách nào để hạn chế dòng tiền “chảy” vào lĩnh vực bất động sản? Theo các chuyên gia kinh tế, tiền ngân hàng từ nay đến cuối năm đưa ra, dù không muốn nhưng rất có thể vẫn chạy một phần vào bất động sản. Vì thế, NHNN phải có những chính sách thắt chặt để nắn dòng vốn này chảy vào đúng mục tiêu, có như vậy mới thực sự hỗ trợ được nền kinh tế.
Được biết, hiện NHNN đã chỉ đạo các vụ ngành chức năng kiểm soát chặt dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, BOT và chứng khoán. Ví dụ tại Chỉ thị 01/2017, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, cho vay có bảo đảm bằng BĐS, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động.