"Bom nợ" từ các nền kinh tế đang phát triển
Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo, vay nợ của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã lên mức kỉ lục 55.000 tỉ USD.
"Quả bom nợ" mới
Theo báo cáo của WB, đây là mức vay nợ lớn nhất, nhanh nhất và có qui mô ảnh hưởng rộng lớn trong gần 5 thập kỉ qua. Khoản nợ này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương và có thể rơi vào khủng hoảng tài chính nếu thời kỳ lãi suất thấp chấm dứt.
Cụ thể, trong báo cáo đánh giá về 4 giai đoạn tích tụ nợ nần từ năm 1970 đến nay, các chuyên gia của WB đã chỉ ra tỉ lệ nợ so với GDP của các nước đang phát triển đã tăng từ 54% lên 168% kể từ khi việc tích lũy nợ bắt đầu vào năm 2010. Trong đó ba giai đoạn gia tăng nợ trước đây đều kết thúc bằng các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển.
Khối nợ khổng lồ này bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, một phần lớn trong số nợ này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Đồng thời, phần lớn khối nợ này (22.000 tỉ đô la) đến từ Trung Quốc khi tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này đã tăng 72 điểm % kể từ năm 2010 lên mức 255% vào năm ngoái do nền kinh tế đang chững lại với tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua, buộc Bắc Kinh phải thắt chặt dòng chảy ngân sách để đối phó với vấn đề nợ công.
Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước vay nợ lớn nhất trong các nền kinh tế đang phát triển nhưng nước này cũng là chủ nợ lớn của nhiều nước nghèo khác. Các nước đang phát triển có xu hướng thích vay từ Trung Quốc vì điều kiện vay dễ dàng hơn cùng chi phí vay nợ thấp. Tuy nhiên, khi cho vay, Trung Quốc thường áp các điều khoản yêu cầu không được tiết lộ thông tin và các yêu cầu thế chấp tài sản khác.
Chính vì vậy, bà Ceyla Pazarbaşioğlu, phó chủ tịch phụ trách phát triển bình đẳng, tài chính và các tổ chức của WB, nhận định, trong quá khứ, các khoản vay nợ lớn tăng vọt thường đi cùng với các cuộc khủng hoảng tài chính tại các nước đang phát triển và gây ra thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.
Mặc dù nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc là cách dễ dàng nhất để thoát nợ, song điều này không phải lúc nào cũng sớm diễn ra. Trên thực tế, nhiều quốc gia đang phải vật lộn với mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay. Một loạt các lựa chọn về cách vực dậy nền kinh tế của nhiều nước lúc này đều có một mẫu số chung: Tiếp tục vay thêm!
Đồng thời, các khoản nợ của các quốc gia phần lớn là vay bên ngoài và thường được vay bằng ngoại tệ đã làm giảm giá trị đồng tiền quốc gia. Điều này có thể làm tình hình nợ xấu đi đáng kể. Cùng với đó, nhiều nước đang phát triển vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, giá của những loại hàng hóa này thường không ổn định do cuộc chiến thương mại gia tăng và có xu hướng kéo dài.
Có thể thấy, vấn đề nợ gia tăng cùng nhiều tổn thương khác như mức thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, nguồn thu thuế thấp, trốn thuế tràn lan...có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai nếu các nhà hoạch định chính sách không nhanh chóng hành động để củng cố tính ổn định trong vay nợ và giảm nguy cơ rơi vào những cú sốc kinh tế.
Cần cẩn trọng
Hiện nay, nợ công của Việt Nam đã giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016. Điều này nhờ Chính phủ nỗ lực đạt được nhiều thành tựu trong duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; bội chi và nợ công giảm mạnh.
Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, thời gian qua ngành tài chính đã nỗ lực trong cơ cấu lại nợ công. Nợ công chủ yếu là trái phiếu Chính phủ vay trong nước, giai đoạn trước vay nước ngoài chiếm hơn 60%/GDP, nhưng nay chỉ còn 39%/GDP và vay trong nước là 61%/GDP.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù tỷ lệ nợ công so với GDP đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn một số vấn đề thực tế đặt ra có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam.
Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách đang ngày càng tăng làm gia tăng áp lực trả nợ trong thời gian tới khi nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020.
Chính vì vậy, trong năm 2020, Việt Nam cần có chính sách cân đối giữa quản lí để giảm nợ và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan sát và theo dõi những biến động của nền kinh tế toàn cầu để có những chính sách điều chỉnh kịp thời.