Cảnh báo vỡ nợ dây chuyền của doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc
Giới phân tích cảnh báo sắp tới sẽ còn có thêm nhiều vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, hãng tin CNBC cho hay.
Tuần trước, một vụ vỡ nợ trái phiếu quy mô lớn của một công ty quốc doanh Trung Quốc đã khiến giới đầu tư hoảng hốt và các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang giảm dần mức độ sẵn sàng giải cứu các doanh nghiệp quốc doanh gặp khó.
"Chúng tôi tin rằng các vụ giải cứu sẽ ngày càng mang tính chọn lọc cao hơn, dẫn tới việc có thêm nhiều vụ vỡ nợ của doanh nghiệp quốc doanh", một báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nhận định.
Đánh giá trên được S&P đưa ra sau khi công ty giao dịch hàng hóa cơ bản Tewoo Group - một doanh nghiệp trực thuộc chính quyền thành phố Thiên Tân của Trung Quốc - vào tuần trước không thanh toán được một lô trái phiếu USD đáo hạn, đánh dấu vụ vỡ nợ doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất ở Trung Quốc trong vòng khoảng 2 thập kỷ.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng có xu hướng để mặc cho các doanh nghiệp quốc doanh gặp khó tự tìm giải pháp dựa vào thị trường, thay vì bơm tiền để cứu các công ty thoát khỏi bờ vực vỡ nợ.
Tuy các doanh nghiệp quốc doanh vỡ nợ còn hiếm, Trung Quốc đã chứng kiến một làn sóng vỡ nợ của các công ty tư nhân trong năm nay. Theo số liệu mà hãng tin Bloomberg đưa ra vào đầu tháng này, nếu tính từ đầu năm, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới hơn 17 tỷ USD.
Đánh giá về các vụ vỡ nợ gần đây ở Trung Quốc, chuyên gia kinh tế trưởng Nathen Sheets thuộc PGIM Fixed Income nói: "Đây có lẽ là kết quả của một chiến dịch giảm rủi ro của Trung Quốc. Họ đang tìm cách gia tăng tính kỷ luật tài chính trong hệ thống". Theo ông Sheets, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây "cảm thấy đủ thoải mái để sẵn sàng bỏ mặc một số công ty đổ vỡ".
Vấn đề nợ nần của doanh nghiệp Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu thời gian gần đây.
Hôm thứ Ba, chuyên gia của Moody’s Analytics nói với CNBC rằng nợ doanh nghiệp Trung Quốc là "mối nguy lớn nhất" đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nhấn mạnh rằng tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân phát hành nợ của Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu trong nước trong 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt mức cao kỷ lục 4,9%, so với mức chỉ 0,6% vào năm 2014.
Giới đầu tư "sẽ bắt đầu nhận ra rằng không phải lúc nào Chính phủ Trung Quốc cũng can thiệp" để cứu các công ty tránh khỏi cảnh vỡ nợ - chuyên gia kinh tế Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Scotiabank, nhận xét.
Cho tới nay, các vụ vợ nợ của doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc còn khá hiếm. Mới chỉ có 6 công ty quốc doanh nước này vỡ nợ trong năm nay, so với con số 42 công ty tư nhân vỡ nợ, theo dữ liệu do hãng tin Reuters thu thập được.
Trong nỗ lực tái cơ cấu nợ, Tewoo đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư với giá trị giảm tới 63% so với số tiền mà họ bỏ ra ban đầu để mua trái phiếu. Chỉ có 57% nhà đầu tư chấp nhận giải pháp này, số còn lại lựa chọn giải pháp thứ hai: chuyển đổi nợ cũ sang trái phiếu mới được phát hành bởi một công ty quản lý tài sản nhà nước cũng là một doanh nghiệp quốc doanh của Thiên Tân, với mức giảm giá trị nợ thậm chí còn sâu hơn.
S&P cho rằng chính quyền các địa phương Trung Quốc không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp quốc doanh trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và nguồn thu ngân sách từ thuế trở nên eo hẹp hơn.
Theo S&P, vụ vỡ nợ của Tewoo phản ánh sự sẵn sàng của chính quyền Thiên Tân trong việc áp dụng phương thức tái cơ cấu nợ dựa trên thị trường, thay vì "giải cứu vô điều kiện".
"Việc tái cơ cấu nợ của Tewwo có thể đặt ra khuôn khổ cho các doanh nghiệp quốc doanh khác đang gặp khó với khối nợ trái phiếu lớn ở nước ngoài. Quan trọng hơn, việc này phá vỡ quan niệm bấy lâu rằng các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc dù yếu kém thế nào cũng sẽ được nhà nước giải cứu", báo cáo của S&P Global viết.