Bốn lý do níu kéo vốn đầu tư nước ngoài

Lê Hiền

(Tài chính) Dù vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam đã giảm khoảng 1/3 kể từ năm 2011 do nền kinh tế giảm tốc, thị trường bất động sản suy giảm, mức nợ cao, lạm phát… tuy nhiên, các nhà ĐTNN vẫn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam vì những lý do rất khả quan.

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cao và bền vững.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cao và bền vững.

Có bốn lý do hiển nhiên khiến các nhà ĐTNN tiếp tục chú trọng tới đầu tư và tạo dựng giá trị tại thị trường Việt Nam:

Thứ nhất, Việt Nam có môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn

- Tình hình chính trị vững vàng: đây là yếu tố tiên quyết, khiến các nhà đầu tư an tâm khi bỏ vốn. Trong khi tình hình chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông đang rất bất ổn (Syria, Libya, chiến sự vẫn căng thẳng; Thổ Nhĩ kỳ, Tây Ban Nha phải thay đổi nội các để chống đỡ tình hình kinh tế giảm sút trầm trọng do vấn nạn nợ công và sản xuất đình đốn, người dân bất bình khi phải thắt lưng buộc bụng, dẫn đến các cuộc biểu tình dầm dộ khắp nơi…). Ngay cả các nước kinh tế phát triển cũng gặp không ít khó khăn (Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố; Khủng hoảng ở châu Âu đang diễn biến theo chiều hướng xấu khiến kinh tế Đức, Anh cũng bị ảnh hưởng, sản xuất đình đốn, tăng trưởng giảm sút; Các quốc gia trong eurozone đang phải đối phó với nguy cơ đổ vỡ đồng tiền chung, khủng hoảng nợ châu Âu được nữ Thủ tướng Đức Markel dự đoán sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa…), các nước Hồi giáo đối đầu với các cuộc biểu tình chống đối liên quan đến vấn đề sắc tộc, tôn giáo… Nhật Bản và Trung Quốc phải đối đầu với những rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị, ngoại giao… khiến kinh tế hai nước và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Trong lúc đó, tình hình chính trị của Việt Nam ổn định, đướng lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thống nhất, hướng đến hội nhập và phát triển. Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư thuyết phục đối với các công ty nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô ổn định: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và dư luận quốc tế cũng đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong thời gian qua:  tỷ giá rất ổn định, lạm phát giảm mạnh từ mức trên 20% (thời điểm tháng 8/2011) xuống dưới 5,5% (tính đến tháng 7/2012); đồng thời, dự trữ ngoại hối tăng cao.

- Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào: Việt Nam hiện có 90 triệu người, có 80% trẻ em độ tuổi đi học, lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao, có thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn.  Hãng kiểm toán Ernst & Young nhận định trong vòng 25 năm tới Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm và số người có thu nhập trên 30.000 USD mỗi năm có thể cao gấp 10 lần vào năm 2021. Việt Nam là một thị trường tiêu thụ mới mẻ và đầy tiềm năng. Việt Nam còn được xem như một bàn đạp để các nước đầu tư vào có thể thông thương với Lào và Campuchia - là hai thị trường đang tăng trưởng năng động hiện nay.

- Thị trường Việt Nam có thể giúp tiết kiệm chi phí: Dân số cao, nguồn lao động dồi dào, trong đó, lao động trẻ có trình độ tay nghề khéo léo, cần cù chịu khó. Giá nhân lực lại chỉ bằng nửa Trung Quốc hay Thái Lan, thấp hơn đáng kể so với nhiều nước ASEAN khác, giúp giảm chi phí cho DN mới thành lập.

- Việt Nam đang thay đổi để hội nhập sâu, rộng hơn với kinh tế thế giới: Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến dài trong tiến trình cải cách thủ tục Thuế, Hải quan trong 10 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Đề án 30 - cải cách hành chính Nhà nước, tạo môi trường ngày càng thông thoáng hơn trong tất cả các lĩnh vực. Chính sách thuế ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với giai đoạn hiện nay, ở mức trung bình trong khu vực.  Do thương mại hoá đang ngày càng trở nên cấp thiết, các biện pháp thuế quan dần dần được loại bỏ, hàng rào thuế quan của Việt Nam đã ngày càng cắt giảm (sau khi gia nhập WTO, hàng năm, Việt Nam đều cắt giảm mức thuế suất đối với thuế xuất - nhập khẩu hàng hoá theo đúng cam kết WTO, giảm nhiều dòng thuế suất cho Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN. Khu vực tự do mậu dịch giữa VN và EU dự báo sẽ giảm đến 90% dòng thuế. Năm 2013, sẽ cắt giảm thuế suất của 208 dòng thuế nhập khẩu ưu đãi để thực hiện cam kết WTO (với mức thuế suất cắt giảm thấp nhất là 0,29% và cao nhất là 25%). Tỷ lệ tham gia vốn của các nhà ĐTNN đang được mở rộng: không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại quỹ ETF (theo Thông tư Hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục - gọi tắt là Quỹ ETF – do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo). Đối tượng áp dụng bao gồm: Công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát hoạt động tại Việt Nam; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các tổ chức khác cung cấp các dịch vụ liên quan tới hoạt động huy động vốn, thành lập và quản lý quỹ ETF. Tỷ lệ tham gia vốn của các công ty nước ngoài trong liên doanh liên kết cũng đang được nghiên cứu, xem xét để mở rộng hơn.

- Cơ sở hạ tầng ngày càng tốt: đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt nam được dự báo sẽ làm tăng tốc quá trình phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi, chào đón những dự án có trình độ công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tham gia xuất khẩu cũng như đủ tầm vóc tạo ra sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ổn định

- Tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 dự kiến đạt 5,2% - 5,5% (cuối năm, mức tăng trưởng sẽ đạt khá hơn). Đây là mức tăng trưởng khá so với hầu hết các nước khác (Italia ước tính: -2,3%; Tây Ban Nha: -1,54%; Bỉ: 0,04%; Nhật: 2,22%; Bồ đào nha: -3%; Đức: 0,94%; Pháp: 0,12%; Hà Lan: -0,46%;… Khu vực Mỹ la tinh do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công, ước tính tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 3%. Các nền kinh tế lớn của thế giới có mức tăng trưởng cao như Trung quốc, Ấn độ, ADB cũng dự kiến hạ thấp mức tăng trưởng, Trung Quốc xuống còn  7,5% (so với mức 8,5%) và Ấn độ xuống còn 5,6% (so với 7%).

- Triển vọng tươi sáng: Năm 2013, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước chỉ đạt cao nhất quãng 4% (không kể Trung Quốc và Ấn Độ), nhưng trong "Dự báo các thị trường tăng trưởng nhanh: Mùa thu 2012" hãng kiểm toán Mỹ nhận định: Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong số 25 quốc gia tăng trưởng nhanh của thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức trung bình hơn 5% trong hai năm tới. Đây là một mức tăng trưởng bền vững và sẽ không gây ra lạm phát cao, đồng thời cũng sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Thứ ba, nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt

- Theo nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi của Ernst & Young thì Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia là các nền kinh tế đặc biệt mạnh. Kể từ 2007 đến nay, hàng năm Việt Nam đã thu hút hơn 6,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời tăng cường thu hút vốn ODA, trong đó chú trọng thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn, công nghệ cao, bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn.

- Việt Nam có dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và thích làm quen với sản phẩm mới. Trong tương lai các thương hiệu lớn sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam, thị phần sẽ sớm được chia lại. Hiện tại, một loạt DN lớn của Mỹ trong ngành ẩm thực, nhà hàng như McDonald’s,  Pollo Tropical, Dennys, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies… cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn và đã bắt tay vào đầu tư thông qua hình thức nhượng quyền 100% vốn. Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Hungary, Nhật Bản cũng đang lao vào cuộc đua, họ biết, nếu chậm chân sẽ cầm chắc thua thiệt. Mà không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực, các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, xử lý nước, công nghệ thông tin, nông nghiệp, giáo dục, y tế… cũng đang thu hút mạnh mẽ ĐTNN.

- Việc chuyển nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam đang đem đến cơ hội tốt cho những công ty muốn tham gia sâu để mở rộng hoạt động. Đến năm 2014, khi nhiều điều khoản cam kết về WTO được dỡ bỏ, thị trường bán lẻ mở cửa, các nhà ĐTNN hoàn toàn tự do thâm nhập thị trường Việt Nam, cộng với kinh tế Việt Nam phục hồi, thu nhập của giới trẻ tăng lên, mức tiêu xài gia tăng…, việc nhượng quyền sẽ càng phát triển, là cơ hội mà các nhà ĐTNN phải nhanh tay nắm bắt.
 
Thứ tư, thực tế đã chứng minh

- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu khí) 7 tháng đầu năm 2012 đạt 39 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 62% tổng KNXK cả nước. Rõ ràng, khu vực này vẫn duy trì được vai trò dẫn dắt, đóng góp phần lớn vào thành tích từng bước cân bằng cán cân thanh toán.  Một diễn biến tích cực khác là, mặc dù số dự án mới chưa tăng lên, nhưng Việt Nam lại có thêm 231 lượt dự án cũ đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 2,83 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng qua, các nhà ĐTNN đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,49 tỷ USD, bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, vốn giải ngân ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011. Thực tế này cho thấy niềm tin của giới ĐTNN vào tương lai trung và dài hạn ở Việt Nam rất cao, nơi có thể sinh lời cho đồng vốn của họ.

- Nhiều DN có vốn ĐTNN đang làm ăn thành công ở Việt Nam: quỹ VFMVF4 có mức tăng trưởng lớn nhất, đạt 36,5%, tiếp theo là Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1), với mức tăng 32,7%, Vietnam Emerging Equity Fund tăng 30,1%, Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) tăng 29,1%. Đối với nhóm quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, mức tăng NAV (giá trị tài sản thuần) dao động chủ yếu từ 20-30%. Hai quỹ đầu tư vào sản phẩm có thu nhập cố định của Dragon Capital là Dragon Capital Vietnam Debt "A" class và "B" class cũng có mức tăng trưởng khá so với lịch sử của 2 quỹ kể từ khi thành lập, lần lượt là 8,2% và 9,5%. Đặc biệt, các DN hoạt động ở các ngành ngân hàng, luật, khai thác mỏ, giáo dục… hầu như không bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế (nổi bật là trường quốc tế RMIT, Trung tâm Giáo dục Canada (CEC), Công ty Lock&Lock Vina, các công ty kinh doanh dược phẩm của Ấn Độ, ngân hàng HSBC, BigC, Metro… đang trên đà phát triển khá mạnh).

- Theo số liệu thống kê mới nhất (năm 2012) của Bộ KH-ĐT, trong tổng số 448.393 DN thì số DN có vốn ĐTNN là: 12312, trong đó  DN đã đăng ký nhưng chưa hoạt động SXKD: 1016; DN thực tế đang hoạt động SXKD: 9385; DN tạm ngừng SXKD: 232; DN chờ giải thể: 696; DN không xác minh được: 983. Như vậy, so với DN trong nước thì tỷ lệ giải thể, ngừng hoạt động thấp hơn (8,2% so với 13-15% khối DN trong và ngoài nhà nước).

- Việt Nam đang là thị trường tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà ĐTNN. Việc giảm số lượng đầu tư hiện nay chỉ là tạm thời, các DN nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường tiềm năng này và sẽ quay lại trong thời gian tới. Mới đây, các tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Thái Lan về sức hấp dẫn và thuận lợi trong kinh doanh đối với nhà ĐTNN.

Theo Cục ĐTNN, số vốn đầu tư của DN Nhật Bản chiếm tới 46,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng qua, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 4,92 tỷ USD và là quốc gia dẫn đầu danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Đứng ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 936,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Samoa đứng vị trí thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 899,8 triệu USD. Sau đó là Singapore, với 675,4 triệu USD. Đứng thứ 5 là British Virgin Islands, với 623,38 triệu USD.