Bong bóng bất động sản thế giới liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam?
Theo Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của UBS Group AG công bố, bất động sản tại một số thị trường như Đức, Canada, HongKong, Nga, Thụy Sỹ, Pháp… đang đứng trước nguy cơ bong bóng xuất hiện khi giá nhà đã tăng lên 6% so với năm trước, đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Liệu thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam có rơi vào hiệu ứng Domino nếu bong bóng BĐS thế giới vỡ?
Bức tranh bất động sản (BĐS) trong nước cũng đang cho thấy giá liên tục tăng ở một số phân khúc, điều này được thể hiện khá rõ qua các báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, DKRA, CBRE, Savills… cho thấy, giá chung cư, biệt thự/liền kề, đất nền quý 3/2021 tăng ở một số khu vực so với quý trước.
Giá BĐS tăng liên tục
Chẳng hạn, ở thị trường Hà Nội, hiện tại, biệt thự/liền kề và giá đất nền tại một số dự án ở Hoài Đức, Long Biên, Hà Đông... vẫn ở ngưỡng cao kể từ đầu năm tới nay, thậm chí có hướng tăng 3-5% so với quý 2. Nguyên nhân được các đơn vị kinh doanh BĐS chỉ ra là do khan hiếm dòng sản phẩm này, trong khi nhu cầu lại rất mạnh.
Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, quý 3 trên thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ/giảm giá bán chung cư cao cấp để thu hồi vốn. Nhưng bên cạnh đó lại có gần 40% dự án sơ cấp tăng giá bán lên đến 15% trong quý 3 ở một số quận mới như quận 7, quận 2.
Còn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nguồn cung bị thu hẹp, mức giá đất nền không có biến động trong quý 3, nhưng một số chủ đầu tư ở Cần Thơ đang có dấu hiệu tăng giá từ 5-10% kể từ đầu tháng 10.
Mặc dù, sốt đất tại Lâm Đồng, Măng Đen ở khu vực Tây Nguyên đã bị chặn đứng, tuy nhiên, riêng tại Đà Lạt giá vẫn chưa bao giờ xuống và có xu hướng đi lên do có rất nhiều nhà đầu tư các tỉnh thành khác đến, giá đất tại trung tâm Đà Lạt dao động từ 200-500 triệu đồng/m2.
Riêng thị trường Thanh Hoá ở Bắc Trung Bộ có mức tăng cao nhất, do tỉnh này trong năm qua nhận được rất nhiều nguồn vốn đầu tư từ Foxconn, Sun Group, T&T… đổ vào BĐS công nghiệp, nghỉ dưỡng đã khiến thị trường BĐS ở đây sôi động, riêng shophouse tăng 9-15% so với trước dịch.
Ông Phạm Trung Hiếu, Tổng giám đốc Sàn giao dịch BĐS Four Home, nhận định, thị trường phía Bắc nói chung, Quảng Ninh và Hải Phòng nói riêng đều có sự tăng trưởng mạnh về giá, nhưng lại có sự giảm nhẹ về nguồn cung.
Bức tranh tăng giá BĐS ở Việt Nam cũng đang gây nên những lo lắng từ dư luận, khi mới đây, chỉ số bong bóng BĐS toàn cầu của UBS Group AG công bố, thị trường BĐS một số thị trường như Đức, Canada, HongKong, Nga, Thuỵ Sỹ, Pháp… đang đứng trước nguy cơ rủi ro bong bóng xuất hiện khi giá nhà tại các nước này đã tăng lên 6% so với năm trước, đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Điều đáng nói là việc giá tăng vọt do chi phí đi vay giảm xuống mức rất thấp và người mua sẵn sàng trả giá cao cho những căn nhà rộng rãi, có nhiều không gian xanh và thoáng mát. Đại dịch khiến giá cả ở các khu vực ngoại ô đang tăng nhanh hơn so với các thành phố lần đầu tiên kể từ những năm 1990.
Khó ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có nguy cơ vỡ bong bóng BĐS theo hiệu ứng Domino hay không?
Trước tiên cần phải nhắc lại, sau cuộc khủng hoảng BĐS năm 2011-2012, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực này. Tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS năm sau luôn giảm hơn năm trước. Đơn cử như năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53%, nhưng lại giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%).
Mới đây, tại văn bản giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán...
Cũng tại văn bản giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sở dĩ việc giá BĐS tăng cao những tháng đầu năm 2021 là do ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... Bên cạnh đó, do đại dịch, triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, BĐS.
“Xu hướng này tương đồng với diễn biến chung trên thế giới một năm qua. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh nguồn cung BĐS...”, bà Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tại Việt Nam mức độ chưa căng thẳng như ở các thị trường phát triển như: Canada, Thuỵ Sĩ, HongKong… hoặc nguy cơ xảy ra khủng hoảng như đầu những năm 2010 bởi tín dụng vào lĩnh vực này được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, việc sốt đất, giá bị đẩy cao hồi đầu năm khắp cả nước đã được Chính phủ và địa phương đã vào cuộc ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng, do đó sốt đất chỉ còn tồn tại ở một số nơi, một số khu vực và giá cao chủ yếu tại thành phố lớn, tình trạng này dịu hơn rất nhiều so với các nước.
"Hiện tại, giá BĐS tăng cao chủ yếu ở một số địa phương có thông tin quy hoạch, chung cư tăng cao do “chiêu trò” thổi giá của một số môi giới để tạo sức ép dư luận. Trong khi đó, BĐS văn phòng và mặt bằng bán lẻ cho thuê đang gia tăng tỷ lệ trống cũng như giảm giá từ 15-50%, thậm chí nhiều chủ nhà còn miễn phí thuê trong thời gian giãn cách", TS. Phong nói.
Có thể thấy, mặc dù "sức khoẻ" doanh nghiệp BĐS giảm, nhưng thị trường đang có sự điều tiết rất tốt từ cơ quan quản lý bằng các biện pháp hành chính như rà soát lại thủ tục pháp lý tại nhiều dự án ở phía Nam, hạn chế cấp phép số lượng các dự án đủ điều kiện mở bán. Đặc biệt, việc siết chặt tín dụng đổ vào phân khúc nhà ở cao cấp, nghỉ dưỡng du lịch của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tác dụng, trong khi nhu cầu ở thật vẫn cao, nên khó có thể xảy ra hiệu ứng Domino như dư luận lo ngại.