“Bóng ma” của nền kinh tế xanh
“Lạm phát xanh” được coi như “bóng ma” của nền kinh tế sạch khi hàng loạt quốc gia đồng loạt chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, sẽ kéo theo “cơn sốt” ở một số tài nguyên chiến lược.
Năm 2021, nền kinh tế toàn cầu tiêu thụ bình quân 83.000 tấn đồng/ngày- mức sử dụng cao nhất chưa từng thấy. Đây là hệ lụy tất yếu của phong trào giảm phát thải, hướng tới phương thức sử dụng năng lượng sạch.
Bùng nổ “lạm phát xanh”
Công nghiệp hiện đại ngày càng cần đến các kim loại, như đồng, nhôm…, trong đó ngành điện chiếm 65%, ngành xây dựng chiếm 25%, giao thông vận tải chiếm 7% và những ngành còn lại chiếm khoảng 3%.
Nếu như từ trước đến nay, dầu mỏ được ví như “dòng máu” của nền kinh tế thì trong tương lai gần, đồng và nhôm sẽ thay thế hàng hóa này. Bởi điện năng lượng mặt trời, điện gió sử dụng đồng nhiều hơn 6 lần so với nhiệt điện, thủy điện.
Thực tế trên cộng hưởng với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc… siết chặt khai thác và xuất khẩu những kim loại này, đã khiến giá đồng tăng 100%, giá nhôm đội lên 75% kể từ đầu năm 2020 đến nay. Như vậy, cam kết xanh đã làm nảy sinh “lạm phát xanh”.
Đến nay, thủy điện và nhiệt điện vẫn đóng góp 2/3 cơ cấu năng lượng của Trung Quốc; 80% năng lượng của Mỹ đến từ dầu mỏ, than đá và khí đốt; Châu Âu chủ yếu mua khí đốt từ Nga… Do đó, cuộc chạy đua chuyển đổi sang năng lượng sạch dự báo sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa, và giá đồng, nhôm sẽ còn tăng cao hơn nữa, nhất là khi theo Bloomberg, dự trữ đồng ở các kho hiện nay ở mức thấp nhất kể từ 1974, chỉ đủ cho toàn cầu sử dụng trong 3 ngày.
“Thoát Trung” không dễ!
Hàng loạt nhà sản xuất đồ uống đóng chai, ô tô, thiết bị máy móc ở Mỹ, Châu Âu bị “khoét” bớt lợi nhuận, hoặc lún sâu vào khủng hoảng vì cú đúp tác động từ dịch bệnh COVID-19 và giá kim loại màu tăng mạnh.
Với việc nắm giữ khoảng 2 triệu tấn đồng thành phẩm, 1/3 trữ lượng đất hiếm, 60% cobal, 85% nguồn cung vonfram, 80% sản lượng bismuth toàn cầu…, Trung Quốc hiện là “ông chủ” của ngành công nghiệp kim loại hiếm - không thể thiếu đối với nền kinh tế xanh, giảm phát thải. Chỉ cần Trung Quốc ngưng bán kim loại hiếm cho một quốc gia nào đó cũng đủ gây ra rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, điện thoại, pin mặt trời, xe điện Trung Quốc đã tràn ngập thế giới. Chúng có thể tàn phá bất cứ đâu với giá bán rất rẻ, nhưng đằng sau đó là cuộc chiến rất đắt đỏ để sở hữu nguyên liệu đầu vào và xử lý chất thải.
Còn nhớ hơn 2 thập kỷ trước, Trung Quốc đã xâm nhập Châu Phi, Nam Mỹ - những nơi dường như bị Mỹ lãng quên sau thế chiến thứ II. Thời điểm đó, không ai có thể giải thích được động thái của Trung Quốc. Nhưng đến nay, câu trả lời đã rõ ràng khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã kiểm soát ngành khai khoáng ở Peru, Chile, Congo, Zambia, Ethiopia, Kenya,…- những quốc gia giàu tài nguyên nhưng thiếu tiền.