Brexit không gây biến động lớn trong quan hệ thương mại Việt – Anh
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ phát triển dựa trên nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng và hợp tác đôi bên cùng có lợi cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất của hai nước. Đây là khẳng định của ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len khi trao đổi với phóng viên.
Phóng viên: Việc Anh chính thức rời EU (Brexit) dự báo sẽ dẫn đến những thay đổi trong quan hệ kinh tế với các đối tác. Vậy kịch bản nào cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh sau Brexit, thưa ông?
Ông Gareth Ward: Tôi cho rằng, kịch bản thương mại giữa Anh và Việt Nam được viết bởi chính người tiêu dùng hai nước chúng ta, không phải bởi EU hay Chính phủ hai nước.
Anh xuất khẩu rất nhiều máy móc công nghệ cao sang Việt Nam. Cánh và động cơ của nhiều máy bay đang được sử dụng ở Việt Nam là được chế tạo ở Anh. Tôi thấy ngày càng nhiều ô tô do Anh sản xuất lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Chúng tôi cũng xuất khẩu dược phẩm sang Việt Nam.
Còn ở Anh, người dân biết đến nhiều loại quần áo và giày dép họ mặc được sản xuất tại Việt Nam. Điện thoại di động họ đang sử dụng cũng được sản xuất tại Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam, đặc biệt như phở, rất phổ biến với người Anh...
Tôi tin rằng, trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian tới sẽ được thúc đẩy bởi sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam - những người muốn tiếp cận các dịch vụ ưu việt của Anh như giáo dục, pháp lý và ngân hàng. Và việc Anh rời EU sẽ không tạo ra biến động lớn trong quan hệ thương mại giữa Anh và Việt Nam.
“Chia tay” EU, Anh bước vào “giai đoạn chuyển tiếp” cho đến cuối năm 2020. Trong thời gian này, khi Anh vẫn trong Liên minh Hải quan EU (EUCU), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh có bị ảnh hưởng?
Vương quốc Anh từ trước đến nay vẫn luôn vận động cho những chính sách thương mại cởi mở. Khi chúng tôi còn là thành viên EU, Anh đã ủng hộ các hiệp định thương mại tự do và xem đó là cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước mình. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với nhiều tham vọng về cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại.
EVFTA có thể sẽ có hiệu lực vào mùa hè năm nay và khi đó, Hiệp định sẽ được áp dụng với Anh trong giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn chuyển tiếp cho chúng tôi thời gian để tiếp tục sắp xếp lại hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp và hoàn thành một hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam.
Kể cả không còn là thành viên EU, Anh vẫn sẽ tiếp tục đi đầu về tự do thương mại. Chúng tôi biết rằng, Việt Nam, với 13 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, bao gồm cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đầy tham vọng, có nhiều quan điểm đồng nhất với chúng tôi về mặt giá trị của tự do thương mại và những lợi ích thực sự mà tự do hóa thương mại toàn cầu đem lại.
Sau “giai đoạn chuyển tiếp”, trong trường hợp Anh không còn là thành viên EUCU và các ưu đãi theo EVFTA sẽ không được áp dụng cho các hoạt động thương mại giữa Anh và Việt Nam, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ bị tác động ra sao?
Anh và Việt Nam đang nỗ lực đi đến một hiệp định thương mại tự do song phương với những lợi ích tương tự như EVFTA mang lại. Vì vậy, cơ chế hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục được phát triển và trọng tâm là loại bỏ các rào cản tiếp cận thị trường.
Công tác đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Anh và Việt Nam đang được tiến hành. Chúng ta có nền tảng đàm phán tốt trong quá khứ khi Anh là thành viên tham gia đàm phán EVFTA những năm trước đây. Hiệp định đặt nhiều tham vọng vào một số lĩnh vực như thuế quan, dịch vụ và mua sắm công. Sẽ không có bất lợi cạnh tranh nào đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất của Việt Nam hay Anh, mà chỉ có lợi ích cho cả hai.