Brexit sẽ tác động ra sao đến thị trường chứng khoán Việt Nam?
Sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã và đang gây ra tâm lí lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư trong nước, câu hỏi đặt ra hiện nay là sự kiện Brexit sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam?
Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã cuộc trao đổi với ông Cao Sơn - Chuyên gia tài chính đầu tư của Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính) về những tác động của Brexit lên TTCK Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về phiên giao dịch đặc biệt hôm 24/6 của TTCK Việt Nam khi sự kiện Brexit chính thức được công bố?
Chuyên gia tài chính đầu tư Cao Sơn: Tác động của sự kiện Brexit lên TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch 24/6 là lớn, thị trường biến động rất mạnh. Tất cả các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đều theo dõi trực tiếp từng giây phút kết quả bỏ phiếu tại Anh; phản ứng của TTCK, dầu mỏ và thị trường ngoại hối thế giới để đưa ra quyết định mua bán. TTCK Việt Nam hôm đó giảm sâu nhất hơn 5% vào buổi trưa khi có kết quả ra đi của nước Anh.
Tuy nhiên, đến chiều xuất hiện một dòng tiền lớn khoảng 2000 tỷ đồng đã ồ ạt giải ngân khiến VN-Index chỉ còn giảm 1,8%. Có thể nói, trong các TTCK trên thế giới, thị trường Việt Nam đảo chiều ngoạn mục nhất trong phiên giao dịch Brexit. Tóm lại, thị trường Việt Nam đã hấp thụ tốt tác động tức thời của Brexit.
Ông đánh giá như thế nào về thanh khoản TTCK Việt Nam trong phiên 24/6?
Thanh khoản thị trường đã lập một trong những kỷ lục lịch sử với tổng giá trị giao dịch hơn 6.000 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản lớn là một điểm tích cực, chứng tỏ có một dòng tiền lớn chờ đợi giảm mạnh để giải ngân.
Ở chiều ngược lại, cũng có một dòng tiền rút ra khỏi thị trường trước lo ngại các diễn tiến và tác động tiếp theo của Brexit.
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng sao sau sự kiện này, thưa ông?
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh khi biết kết quả ra đi của nước Anh cộng hưởng với sự chao đảo của TTCK, ngoại hối và dầu mỏ thế giới, nhưng họ cũng nhanh chóng lấy lại thăng bằng.
Theo quan sát, rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra tin tưởng vào ổn định nội tại của thị trường tài chính và kinh tế Việt Nam trước tác động của Brexit. Khối ngoại cũng phản ứng khá bình tĩnh, họ chỉ bán ròng 2 triệu USD cổ phiếu trong khi mua ròng mạnh trái phiếu Chính phủ.
Theo ông, dư âm của Brexit sẽ kéo dài như thế nào đến TTCK châu Á, trong đó có Việt Nam?
Các TTCK châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) đều ít bị ảnh hưởng Brexit so với châu Âu và Mỹ. Thị trường Việt Nam cũng thể hiện tương đối giống các thị trường châu Á. Nguyên nhân là khi các TTCK châu Âu và Trung Quốc có vấn đề, rất có thể các TTCK châu Á sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng chiến lược của các dòng vốn trên thế giới, đặc biệt các TTCK có tiềm năng tăng trưởng và được đánh giá tốt về ổn định vĩ mô như Việt Nam.
Dư âm của Brexit sẽ nhạt bớt khi các phương tiện truyền thông bớt đề cập về sự kiện này. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Brexit là sự kiện thứ yếu mà ngược lại nỗi “ám ảnh” này có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và vẫn phải liên tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.
Thưa ông, đợt điều chỉnh vừa qua nguyên nhân có phải chỉ do Brexit? Hay còn nguyên nhân nào khác?
Brexit là lý do hợp lý để thị trường điều chỉnh, nghỉ ngơi sau thời gian tăng dài. Đó là lý do cơ học. Lý do về cơ bản là câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phiếu đang có chiều hướng dần kém hấp dẫn, ngoại trừ một số ngành nghề nhưng lại không phải các ngành có vốn hóa thị trường lớn.
Nói cách khác, thị trường khá bão hòa cơ hội đầu tư nên cần điều chỉnh để đưa về mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Nhiều nhà đầu tư đang nói về cơ hội gom hàng trên TTCK. Vậy, ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Brexit khiến những nhà đầu cơ phải bán ra và tạo ra cơ hội gom hàng trên TTCK. Tuy nhiên, ngay cả việc định giá tác động ngắn hạn của Brexit là giảm 3%,5% hay 7% cũng không dễ dàng. TTCK từng tăng trong tuần sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 nhưng giảm tới 30% trong 3 tháng tiếp theo.
Do vậy, việc nhanh chóng bắt đáy khi có đợt sụt giảm đầu tiên ngày 24/6 tiềm ẩn rủi ro với các nhà đầu cơ ngắn hạn. Các nhóm cổ phiếu đáng mua vào nhất là dầu khí, nguyên liệu cơ bản, vật liệu xây dựng, bất động sản khi thị trường phục hồi trở lại. Đây có thể vẫn là các nhóm dẫn dắt thị trường cho tới hết năm 2016.
Về dài hạn, sự kiện Brexit sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, sự kiện Brexit có thể ví như một Lehman Brothers trong chính trị và quan hệ quốc tế. Có thể đây là điều khiến các định chế tài chính lớn trên toàn cầu “mất ngủ” mặc dù các nhận định sơ bộ ban đầu khá “tự tin” và “cứng cỏi”. Nhận định, dự báo của nhiều tổ chức uy tín đều cho thấy rủi ro suy giảm kinh tế Anh, EU tăng lên đáng kể từ năm 2017. Thậm chí, một số tổ chức nhận định kinh tế toàn cầu có thể suy thoái do tác động lâu dài và thẩm thấu dần của Brexit.
Nói cách khác, các tổ chức buộc phải có những điều chỉnh đáng kể trong chiến lược đầu tư và dự phòng cho những kịch bản “xấu nhất” do ảnh hưởng dây chuyền từ Brexit. Đáng chú ý chu kỳ suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm một lần (1998/2008/2018) hoàn toàn có thể lặp lại. Một sự kiện đầy nhạy cảm và có tính lan truyền như Brexit rất có thể là tín hiệu cảnh báo sớm bất chấp sự tự tin của thị trường tài chính hiện tại vẫn rất lớn.
Brexit chắc chắn làm giảm dư địa tăng giá của chứng khoán Việt Nam ở một mức độ nhất định. Tác động tiếp theo đến TTCK phụ thuộc các biến số là Brexit/các sự kiện là hệ quả của Brexit sẽ ảnh hưởng ra sao tới những yếu tố vĩ mô chủ chốt của Việt Nam như tỷ giá, lạm phát, lãi suất. Sự bất định trong trung dài hạn mà sự kiện Brexit tạo ra có thể vượt xa khỏi những nhận định sơ bộ ban đầu.
Xin cảm ơn ông!