Từ ngày 1/7/2016: Mạnh tay với thao túng giá chứng khoán
Thị trường đã ghi nhận nhiều cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán nhưng mới bị xử lý phạt vi phạm hành chính. Với quy định mới trong Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm đối với hành vi thao túng giá chứng khoán sẽ lớn hơn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty Luật BASICO) xung quanh vấn đề này.
Làm giá chứng khoán luôn là nỗi bận tâm của thị trường chứng khoán và hành vi này đã được đưa vào Bộ luật Hình sự từ năm 2009. Theo ông, những căn cứ để xác định hành vi thao túng giá chứng khoán là gì?
Thao túng giá chứng khoán là vi phạm điển hình trong lĩnh vực chứng khoán và hoạt động thị trường chứng khoán. Tại Việt Nam, ngay từ những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh hoạt động thị trường chứng khoán, hành vi thao túng giá chứng khoán đã được nhắc đến.
Ví dụ, tại Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi thao túng giá chứng khoán được xác định là một dạng hành vi lũng đoạn thị trường và bị cấm thực hiện (Điều 104 về “Lũng đoạn thị trường”).
Luật sư Hồ Anh Khoa
Đến Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), hành vi thao túng giá chứng khoán được ghi nhận tại Điều 9 về “Các hành vi bị cấm”. Khoản 2, Điều 70 về “Các giao dịch bị cấm”, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, đã làm rõ một số hành vi cụ thể được xác định là thao túng thị trường chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (hiện nay đang có hiệu lực thi hành là Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013) cũng đều xuất hiện chế tài đối với các chủ thể có hành vi thao túng giá chứng khoán, thị trường chứng khoán.
Thực tế, trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, hai khái niệm thao túng giá chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán thường được nhắc đến đồng thời. Ví dụ, tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, trong các hành vi cụ thể của thao túng thị trường chứng khoán có ghi nhận hành vi thao túng giá chứng khoán.
Nhưng xét cặn kẽ, có thể hiểu các hành vi thao túng thị trường chứng khoán khác, về bản chất cũng thường kéo theo biến đổi về giá, hay mục tiêu của các hành vi thao túng này hướng đến việc thao túng giá, làm giá giao dịch chứng khoán không phải do chính thị trường quyết định. Bởi vậy, ở mức độ nào đó, khái niệm thao túng giá chứng khoán là đồng nhất với khái niệm thao túng thị trường chứng khoán, ít nhất là ở khía cạnh ảnh hưởng đến giá giao dịch chứng khoán.
Điều này có thể thấy ở Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có ghi nhận Điều 181c về “Tội thao túng giá chứng khoán”. Cũng một số hành vi được liệt kê tại Điều 181c về “Tội thao túng giá chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (hiệu lực từ 1/7/2016) đã bổ sung thêm một số hành vi khác nhưng lại được xác định thuộc tội danh thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); trong khi Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh thao túng giá chứng khoán như Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Như vậy, hành vi thao túng giá chứng khoán hay thao túng thị trường chứng khoán sẽ phải thuộc một trong các dạng hành vi nêu tại Điều 70 về “Các giao dịch bị cấm”, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, cũng như Điều 181c về “Tội thao túng giá chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Vừa qua, cơ quan quản lý phát hiện một số cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán và xử phạt khá nặng. Ông nghĩ sao về việc này?
Theo thời gian, chế tài pháp lý đối với hành vi thao túng giá chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán có xu hướng tăng nặng và ngày càng được làm rõ về dạng hành vi vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Ví dụ, tại Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức phạt tiền đối với hành vi thao túng giá chứng khoán chỉ từ 200 triệu đồng tới 300 triệu đồng (Điều 27 về “Các hành vi thao túng giá chứng khoán”). Thế nhưng, tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ), mức phạt tiền đối với hành vi này đã tăng lên thành từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng.
Trước thực tế phát triển phức tạp của thị trường, việc tăng mức chế tài nhằm tăng tính răn đe là điều dễ lý giải. Đương nhiên, việc áp đặt chế tài lên các hành vi vi phạm thực tế là điều cần thiết, khẳng định hiệu quả điều chỉnh của các quy phạm pháp luật.
Từ khi tội thao túng giá chứng khoán được đưa vào Bộ luật Hình sự, mới chỉ có vụ Dược Viễn Đông được đưa ra xét xử. Theo ông, vì sao việc xử lý hình sự lại ít như vậy?
Xử lý hình sự đối với hành vi thao túng giá chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán thời gian qua là rất ít, tính từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 có hiệu lực (ngày 1/1/2010).
Thực tế này xuất phát từ cách thức quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm của các quy phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, theo Điều 181c về “Tội thao túng giá chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng được xác định là một yếu tố cấu thành tội phạm; tức là nếu có các hành vi vi phạm nhưng chưa gây hậu quả, hoặc hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì không đủ yếu tố cấu thành; vậy ở đây tội danh này có cấu thành vật chất, nếu xác định theo nguyên lý pháp lý hình sự.
Theo hướng dẫn tại Điều 6 về “Về tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c BLHS)”, Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 về hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán do Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính ban hành, hậu quả nghiêm trọng được xác định là gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; ngoài ra hậu quả cũng có thể được xác định là các thiệt hại phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.
Việc quy định cấu thành tội phạm như vậy gây khó khăn trong việc xem xét xử lý hình sự các hành vi vi phạm. Khâu xác định thiệt hại vật chất là không hề dễ dàng vì ngay cả việc xác định được nhà đầu tư nào chịu thiệt hại từ hành vi thao túng giá, thao túng thị trường đã rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Chưa kể đến việc xác định các thiệt hại phi vật chất còn mang tính định tính hơn rất nhiều.
Việc ban hành luật với căn cứ xử lý khó thực hiện như trên sẽ làm mất tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Vậy quy định về tội danh này trong Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây liệu có giải quyết được những bất cập cũ?
Trước thực tế quy phạm hình sự điều chỉnh hành vi thao túng giá, thao túng thị trường chứng khoán như đã nêu, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những thay đổi cơ bản.
Cụ thể, tại Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định 2 công thức cấu thành tội phạm. Ngoài công thức dựa trên thiệt hại của nhà đầu tư như Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thì đưa thêm công thức cấu thành tội phạm dựa trên hành vi vi phạm có yếu tố thu lợi bất chính của người phạm tội. Người nào thực hiện một trong các hành vi nêu tại khoản 1, Điều 211 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán”, Bộ luật Hình sự năm 2015 mà xác định được yếu tố thu lợi bất chính từ hành vi này với giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì đã đủ cấu thành tội phạm.
Trước thay đổi cơ bản này, pháp luật đã mở thêm căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi thao túng giá, thị trường chứng khoán. Các bất cập của Bộ luật cũ cũng cơ bản được khắc phục.