Bức tranh kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục, khởi sắc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2022 do Tổng cục Thống kê thông tin ngày 28/2 nêu rõ, bức tranh kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục, bước đầu có khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ cột, công nghiệp tiếp tục khởi sắc, thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng...
Cụ thể, theo số liệu thống kê, sản xuất nông nghiệp tháng 02/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng và nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây, trồng rừng vụ Xuân; chăm sóc và bảo vệ rừng, chống cháy rừng trong mùa khô ở khu vực phía Nam. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán trong khi nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khan hiếm; tôm nuôi trồng phát triển ổn định và ít dịch bệnh.
Đáng chú ý, sản lượng thủy sản tháng 2 ước đạt 578,5 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 1.168,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2021.
Sản xuất công nghiệp tháng 02/2022 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần phần lớn tập trung trong tháng 2. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2021, sản xuất công nghiệp tháng 02/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5%; tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với 2 tháng đầu năm 2021.
Đáng chú ý, trong tháng 02/2022, hoạt động khởi sự kinh doanh diễn ra khá trầm lắng so với tháng trước do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ 2021; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 33,6%. Bình quân một tháng có 21,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 02/2022 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời hoạt động đầu tư trong các tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn trong năm. Các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư, do đó khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8,8% so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 02/2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ 2021.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, vốn đăng ký cấp mới có 183 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2021. Nổi bật là vốn đăng ký điều chỉnh có 142 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,59 tỷ USD, tăng 123,8% so với cùng kỳ 2021.
Thống kê cũng nêu rõ, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 27,5%; các ngành còn lại đạt 160,4 triệu USD, chiếm 3,8%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 400 lượt với tổng giá trị góp vốn 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022, ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 51,7 triệu USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2021; có 02 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7,2 triệu USD.
Liên quan tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch, trong tháng 2/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ 2021; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 17,6%; vận tải hành khách giảm 13,1% về vận chuyển, giảm 18,8% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 14,3% về vận chuyển, tăng 18,6% về luân chuyển; khách quốc tế đến nước ta tăng 169,6%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13%; vận chuyển hành khách giảm 21,8%, luân chuyển hành khách giảm 27,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 6,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 9,9%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2022 đạt 30,84 tỷ USD, cao hơn 1,84 tỷ USD so với số ước tính. Ước tính tháng 02/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng 1/2022 và tăng 13,2% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 01/2022 đạt 29,45 tỷ USD, thấp hơn 51 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 02/2022 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng 1/2022 và tăng 21,9% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2021.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD. Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ 2021; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 78,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 18,1%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 1 xuất siêu 1,4 tỷ USD, tháng 2 ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa Xuân 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ được triển khai mạnh mẽ, bên cạnh đó, các địa phương đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tính đến ngày 22/02/2022, tổng số liều vắc-xin phòng COVID-19 đã được tiêm là 191.993,4 nghìn liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.492,7 nghìn liều; tiêm mũi 2 là 76.901,3 nghìn liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 35.599,4 nghìn liều. Tin tưởng rằng, với chiến dịch phủ sóng vắc-xin thần tốc và toàn diện này, cộng với chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn và chủ động, nước ta sẽ từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.