Bức tranh sáng về lợi nhuận ngân hàng quý III

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý III, nhưng hàng loạt ngân hàng đã hé lộ lợi nhuận tăng hàng ngàn tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng quý III/2017 đạt 11,2%, lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng tăng 40%, hàng loạt các ngân hàng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8%. Nguồn: interne
Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8%. Nguồn: interne

Bức tranh tín dụng thực sự khả quan. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá 3 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quý, lạm phát được kiểm soát; tín dụng đối với nền kinh tế tăng gần 12%; mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia dự báo nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh ấn tượng.

Những dự báo tăng trưởng ấn tượng

Dù chưa có báo cáo tài chính quý III/2017, song đến thời điểm này, kết quả kinh doanh ba quý đã được nhiều ngân hàng hé lộ với mức tăng trưởng cao cho cả khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.

Mới đây, công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có những nhận định khả quan về bức tranh tăng trưởng của hàng loạt ngân hàng như: lợi nhuận của Vietcombank 9 tháng ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng khoảng 18-19%. BIDV tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 4% do phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, song con số tuyệt đối vẫn lên tới khoảng 6.000 tỷ đồng.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần “bức tranh” tươi sáng không kém.

Theo báo cáo kết quả sơ bộ tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 mà Ngân hàng Sacombank mới công bố, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 của ngân hàng này ước đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 1.100 tỷ đồng. 

Như vậy, so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm (lợi nhuận trước thuế năm 2017 phấn đấu tăng trưởng 276%, lên 585 tỷ đồng), thì chỉ sau 9 tháng, Sacombank đã vượt gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra.

Cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong 9 tháng đầu năm là Ngân hàng TPBank. Theo một báo cáo mới đây của lãnh đạo ngân hàng này cho biết khả năng năm nay, ngân hàng sẽ đạt mốc lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, chính thức gia nhập câu lạc bộ ngân hàng lãi trên 1.000 tỷ đồng. 

Lũy kế tính đến hết quý III/2017, lợi nhuận của TPBank đã đạt 807 tỷ đồng, vượt mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay là 780 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác, LienVietPostBank, dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh chính thức nhưng cũng được các chuyên gia đánh giá có mức tăng trưởng vượt bậc. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc LienVietPostBank, cho hay lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 1.450 tỷ đồng, gần chạm mục tiêu 1.500 tỷ đồng của cả năm. 

Ngoài ra, một số ngân hàng khác chưa công bố lợi nhuận, song theo dự báo của SSI là rất khả quan: SHB 9 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng, MB đạt khoảng 3.900 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), ACB ước trên 2.000 tỷ đồng (tăng hơn 60%)…

Cẩn trọng với nợ xấu

Tại báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khá khả quan. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%. Tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng cũng giảm từ 53% (năm 2016) xuống 49%.

Theo báo cáo, đến hết tháng 7/2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản bảo đảm khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu hoạt động sôi động. Do đó, một lượng lớn nợ xấu sẽ được xử lý giúp lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng vọt trong quý cuối cùng của năm.

Điều duy nhất khiến các chuyên gia cảnh báo các ngân hàng cũng như nhà đầu tư hiện nay là việc nới lỏng tín dụng có thể gây ra tác dụng phụ là nợ xấu. 

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo tính đến cuối tháng 9/2017 là 2,9%, tăng so với mức 2,6% của thời điểm này năm 2016.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng cao. Điển hình, theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng khoảng 2,9% tăng 0,3% so với năm 2016 (khoảng 2,6%). 

Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.