"Bùng nổ" tài trợ thương mại
Với nhiều tiện ích nổi trội, tài trợ thương mại được xem là một công cụ hữu ích cho doanh nghiệp khi bước ra sân chơi toàn cầu.
Hình thức tài trợ này đã và đang được các ngân hàng đẩy mạnh khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Đua nhau tài trợ
Nếu như cuối năm 2016, thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 350,74 tỷ USD, thì đến cuối năm 2019 đã đạt tới 517,26 tỷ USD, tăng 47,5% chỉ trong vòng 3 năm.
Bước sang năm 2020, mặc dù đại dịch COVID đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu, nhưng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay của Việt Nam vẫn ước đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhập khẩu ước đạt 162,21 tỷ USD, cũng chỉ giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại quốc tế tăng trưởng mạnh dẫn tới sự bùng nổ của các sản phẩm tài trợ thương mại từ phía các ngân hàng. Đơn cử hồi đầu tháng 7 vừa qua, SHB đã cho ra mắt sản phẩm tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng. Theo đó, SHB tài trợ vốn lưu động để khách hàng thu mua nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí sản xuất, gia công, chế biến, kinh doanh đơn hàng xuất khẩu với tỷ lệ tài trợ lên tới 90% nhu cầu vốn và thời hạn vay vốn lên tới 12 tháng.
Hay như mới đây, VPBank cũng ra mắt dịch vụ tư vấn online sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong mùa dịch, đẩy mạnh hoạt động giao thương quốc tế. Theo đó, khách hàng được tư vấn mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế (bao gồm L/C xuất/nhập khẩu, UPAS L/C, nhờ thu, chuyển tiền quốc tế, bảo lãnh/thư tín dụng dự phòng, chiết khấu (L/C, D/A, D/P, TTR), tài trợ trước/sau giao hàng…). Dịch vụ này sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích, hạn chế tối đa những sai sót trong hồ sơ giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Trợ lực cho doanh nghiệp
Tài trợ thương mại giúp các doanh nghiệp nhanh chóng có được nguồn tài chính để đầu tư cho sản xuất kinh doanh thông qua các các khoản vay tín dụng thương mại. Không chỉ vậy, tài trợ thương mại còn giúp doanh nghiệp tăng nhanh vòng quay của đồng vốn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết, với sản phẩm tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng, khách hàng của SHB sẽ được tài trợ ngay khi có đơn hàng xuất khẩu, qua đó giúp khách hàng chủ động về tài chính, ổn định kinh doanh và mở rộng sản xuất. “Với sản phẩm này, SHB đã cung cấp cho khách hàng giải pháp tài trợ xuất khẩu trọn gói trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ lúc có đơn hàng cho đến khi tiền về. Trước đó, SHB cung cấp sản phẩm Chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu với thời gian chiết khấu tối đa lên tới 6 tháng với các phương thức thanh toán đa dạng: Thư tín dụng (L/C trả ngay, L/C trả chậm, L/C UPAS (thư tín dụng trả ngay có thể trả chậm), L/C chuyển nhượng); Nhờ thu (Nhờ thu trả ngay D/P, nhờ thu trả chậm D/A); CAD (Giao chứng từ nhận tiền ngay)...”, ông Nguyễn Văn Lê cho biết.
Đặc biệt theo các chuyên gia, sự đồng hành của các ngân hàng thông qua các sản phẩm tài trợ thương mại còn góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó giúp họ thực hiện đàm phán dễ dàng và thuận lợi hơn khi ký kết hợp đồng giao thương hàng hóa. Trên thực tế, uy tín thương hiệu là một trong những điểm hạn chế của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra sân chơi quốc tế. Chính uy tín của các ngân hàng là “tấm vé thông hành” giúp doanh nghiệp bước chân vào nhiều thị trường khó tính.
Một lợi ích nữa là tài trợ thương mại còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi bước ra sân chơi quốc tế. Theo đó, các rủi ro liên quan đến chính trị, lãi suất, tỷ giá, nhất là rủi ro thanh toán… đã được các ngân hàng gánh vác giùm.
Đó chính là lý do mà giới chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên quan tâm tới các sản phẩm tài trợ thương mại của các ngân hàng, bởi đây là một công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp bước ra sân chơi quốc tế trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều bất định như hiện nay.