Bước đột phá trong cải cách thanh toán một số khoản chi thường xuyên
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng cải cách, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ, trong đó đã có đột phá trong thanh toán một số khoản chi thường xuyên, nhờ đó đang mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách cũng như chính KBNN.
Kết quả tích cực từ dịch vụ công trực tuyến
Triển khai Nghị quyết số 17/ NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến 2025, đến hết năm 2020, KBNN đã cơ bản hoàn thành thực hiện mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử.
Trong đó, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đóng vai trò trung tâm, thực hiện tất cả các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN). Cùng với đó là các Hệ thống vệ tinh thực hiện nhiệm vụ kết nối trao đổi với các đơn vị đối tác, các hệ thống liên quan bên trong và ngoài Bộ Tài chính; Kho dữ liệu thống kê, khai thác dữ liệu, phân tích nghiệp vụ của KBNN đã được xây dựng và triển khai, cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng cho cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính – ngân sách. Hệ thống công nghệ thông tin của KBNN đã trở thành nguồn cung cấp báo cáo đầy đủ, kịp thời, tin cậy cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành.
Trong những năm gần đây, KBNN đã đẩy mạnh triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và đạt kết quả rất tích cực. Đến năm 2020, 100% các dịch vụ công cung cấp bởi KBNN là dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 100% đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) đã tham gia sử dụng DVCTT. Đến nay, ứng dụng DVCTT đã phát huy tính hiệu quả cao nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư sớm phát huy hiệu quả.
Trong quá trình đó, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 455/ QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030; Ngày 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2222/QĐ-BTC về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Với mục tiêu mới, thực hiện quyết tâm chuyển đổi từ Kho bạc điện tử sang Kho bạc số, KBNN tiếp tục tìm tòi các sáng kiến, cải tiến để tăng tính hiệu quả hơn nữa của các dịch vụ thuộc lĩnh vực KBNN. Một trong những sáng kiến đó là thanh toán tự động một số khoản chi thường xuyên cho các ĐVSDNS.
Cụ thể quy trình thực hiện chi NSNN như sau: Đầu tiên, trên ứng dụng DVCTT của KBNN, giao dịch viên của ĐVSDNS lập hồ sơ, kế toán trưởng và lãnh đạo ĐVSDNS lập hồ sơ phê duyệt hồ sơ để gửi sang KBNN. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của ĐVSDNS lập hồ sơ, giao dịch viên KBNN kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ; đệ trình hồ sơ lên Kế toán trưởng; Kế toán trưởng kiểm tra và đệ trình Lãnh đạo KBNN đơn vị. Lãnh đạo KBNN đơn vị phê duyệt chi cho những hồ sơ đúng, đủ điều kiện. Hồ sơ sau đó được giao diện vào hệ thống TABMIS; hệ thống TABMIS tự động tạo lệnh thanh toán và gửi đi các ngân hàng thương mại qua hệ thống thanh toán (TTĐT-NH).
Lợi ích từ hệ thống thanh toán tự động
Theo KBNN, trong quá trình vận hành, giám sát, KBNN phát hiện có một số loại hồ sơ chi có tính chất không phức tạp, thanh toán hoàn toàn căn cứ vào hóa đơn sử dụng từ các nhà cung cấp dịch vụ, có số lượng nhiều và lặp đi lặp lại hàng tháng, đó là các khoản chi cho dịch vụ điện, nước, viễn thông. Quy trình xử lý loại hồ sơ này tương tự các hồ sơ phức tạp khác.
Từ đó, các công chức KBNN đã nghiên cứu và báo cáo lãnh đạo KBNN cho phép triển khai một sáng kiến có tính đột phá: thanh toán hoàn toàn tự động cho các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông. Sáng kiến được triển khai như sau: KBNN thực hiện kết nối hệ thống công nghệ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ và ngân hàng thương mại. Định kỳ, các nhà cung cấp gửi hoá đơn trực tiếp hoăc gián tiếp thông qua ngân hàng thương mại cho KBNN, KBNN căn cứ trên các hoá đơn, tự động trích nợ tài khoản của ĐVSDNS để thưc hiện thanh toán cho các nhà cung cấp và gửi giấy báo nợ cho ĐVSDNS. Việc trích nợ tự động tài khoản của đơn vị được thực hiện thông qua việc ĐVSDNS và KBNN ký kết một văn bản uỷ quyền thanh toán tự động, trong đó chỉ rõ các mã khách hàng, dich vụ và tài khoản tương ứng để trích nợ.
Trải qua hơn 1 năm xây dựng chương trình ứng dụng và 6 tháng vận hành thí điểm, đến tháng 5/2023, quy trình và ứng dụng thanh toán tự động cho các khoản chi điện, nước, viễn thông đã chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi toàn quốc. KBNN đã đạt được thoả thuận với Tổng công ty Dịch vu viễn thông VNPT Vinaphone, là nhà cung cấp dịch vu viễn thông, và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, là đơn vị trung gian kết nối với hầu hết các nhà cung cấp dich vụ điên, nước trên toàn quốc để thực hiện kết nối, triển khai quy trình mới. Cho đến nay, dữ liệu thống kê đã cho thấy tính hiệu quả của sáng kiến.
Có thể thấy, nhờ những cải tiến, hiện đại hoá ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ, cùng với sự tích cực tuyên truyền của cán bộ, công chức KBNN, quy trình thanh toán tự động môt số khoản chi dịch vụ của KBNN đã nhận được sự hưởng ứng từ phía ĐVSDNS với các lợi ích thấy rõ. Theo đó, thời gian và chi phí hoạt động của ĐVSDNS giảm đáng kể do không phải lập chứng từ thanh toán gửi KBNN. Quy trình tự động thanh toán giúp rút ngắn thời gian giao dịch từ 1 ngày cho mỗi hồ sơ chi với rất nhiều nhân lực tham gia kiểm soát (với quy trình thủ công) xuống còn khoảng từ 2 đến 3 tiếng cho tất cả các hồ sơ chi.
Đáng chú ý, KBNN giảm đáng kể lượng hồ sơ giao dịch, công chức Kho bạc có thêm thời gian để kiểm soát các hồ sơ thanh toán phức tạp hơn. Nguồn lực con người chuyển từ thực thi sang giám sát, kiểm tra, đối soát, đẩy mạnh công tác chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Theo KBNN, hiện hóa đơn dịch vụ của tất cả các ĐVSDNS được KBNN thực hiện thanh toán cùng lúc giúp dòng tiền của nhà cung cấp dịch vụ được lưu chuyển nhanh chóng, thuận lợi. Thanh toán tự động cũng góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo luồng tiền...