Buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp; thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn thực trạng này. Đó là khẳng định của ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Nhiều diễn biến phức tạp
Trên tuyến biên giới đường biển chủ yếu là các hoạt động buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm, xăng dầu, khoáng sản, hàng bách hóa tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, máy móc phụ tùng đã qua sử dụng, nguyên phụ liệu công nghiệp, các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện...
Tuyến hàng không, tập trung chủ yếu là ma tuý, sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các cấp đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch, để chỉ đạo các lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng... Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã triển khai các kế hoach, biện pháp kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực, phụ trách.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương điến địa phương thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 6 tháng đầu năm 2017 đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, Ban chỉ đạo 389 các cấp đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.
Vẫn còn những kẽ hở
Những nỗ lực để đạt được các kết quả trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên kết quả đó còn chưa tương xứng với tình hình thực tế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn ra nhiều nơi.
Các mặt hàng buôn lậu phổ biến và diễn biến phức tạp như xăng dầu, thuốc lá, đường kính còn phức tạp, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái... vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm.
Xác định nguyên nhân của những tồn tại trên, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 khẳng định, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể như: Vai trò lãnh đạo của người đứng đầu có nơi, có lúc, triển khai công tác chưa thực sự quyết liệt, thiếu kiểm tra đôn đốc.
Cùng với đó, ý thức trách nhiệm của công chức thực thi nhiệm vụ có nơi, có lúc buông lỏng, làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: Tỉnh Sóc Trăng 2 cán bộ quản lý thị trường tiếp tay đối tượng phạm pháp bị bắt giữ; 28 cán bộ hải quan tỉnh An Giang vi phạm bị truy tố vừa qua...
Đặc biệt, cơ chế chính sách pháp luật còn tạo kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng như: Quy định về chứng từ hóa đơn, giám định hàng hóa, xử lý thuốc lá buôn lậu...
Công tác phối hợp giữa các lực lượng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc xử lý trách nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài còn chưa được xử lý triệt để...
Giải pháp tạo sự chuyển biến
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia xác định sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ sau:
- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, tập trung triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cầm trong công tác này…
- Chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện có kết quả các giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường hàng hóa trong nước.
Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao; phải kiện toàn các lực lượng chức năng rà soát, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất vào các vị trí, địa bàn phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác.
- Chủ động rà soát, phân loại, đề xuất kiến nghị xử lý nhanh, kịp thời các văn bản còn bất cập, sơ hở đang bị các đối tượng lợi dụng để vi phạm; tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…
Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin trong nhân dân.
- Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tuyên truyền, phổ biến thường xuyên các mặt nguy hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rộng rãi trong nhân dân và tầng lớp cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nêu gương người tốt, việc tốt....