Đấu tranh với buôn lậu qua hình thức quá cảnh, trung chuyển
Khi cơ quan hải quan thực hiện quản lý chặt chẽ, các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu, chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu, chuyển qua loại hình quá cảnh, trung chuyển để buôn lậu.
Khởi tố nhiều vụ án hình sự
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 25/7/2017, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Hải quan chủ trì bắt giữ 7.216 vụ, giảm 11,4% so với cùng kỳ 2016; trị giá hàng hóa vi phạm trên 292 tỷ đồng, giảm 2,275 so với cùng kỳ năm 2016; thu nộp ngân sách nhà nước 155,9 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan hải quan khởi tố 20 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 38 vụ.
“Kết quả nổi bật là cơ quan hải quan đã khởi tố nhiều vụ án hình sự, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong việc kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc buôn lậu. Làm dược điều này, đòi hỏi lực lượng hải quan phải chuyên sâu hơn về nghiệp vụ, nắm chắc pháp luật để xử lý các vụ việc theo thẩm quyền”, ông Nguyễn Khánh Quang phát biểu.
Lý giải nguyên nhân số vụ, trị giá hàng hóa giảm, ông Nguyễn Khánh Quang cho rằng, do các đối tượng buôn lậu hoạt động tinh vi hơn nên công tác phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp không phụ thuộc vào tỷ lệ số vụ phát hiện cũng như trị giá hàng hóa.
Hiện nay các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu; chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Điển hình, thời gian qua cơ quan hải quan quản lý chặt chẽ loại hình nhập kinh doanh, các đối tượng tìm cách chuyển dịch sang loại hình quá cảnh, trung chuyển để buôn lậu.
“Thực chất của loại hình quá cảnh, trung chuyển là hàng hóa vận chuyển vào Việt Nam để đi nước thứ ba, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (Lào, Campuchia, Trung Quốc). Tuy nhiên, đối tượng buôn lậu đã tìm cách thẩm lậu hàng hóa vào Việt Nam. Trong khi đó, tuyến biến giới đường bộ trải dài hàng trăm km, có nguy cơ thẩm lậu rất cao gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu…", ông Nguyễn Khánh Quang chia sẻ.
Tuồn hàng lậu vào nội địa
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Quang, từ cuối năm 2016 đến nay, cơ quan hải quan đã phát hiện và đang trong quá trình xử lý, làm rõ hàng chục vụ buôn lậu qua loại hình quá cảnh, trung chuyển. Chủ yếu hàng hóa được đưa về các cảng khu vực miền Nam đi Campuchia.
Kiểm tra đột xuất hàng quá cảnh, trung chuyển cơ quan hải quan đã phát hiện hàng qua sử dụng, hàng lậu hoàn toàn không cho phép nhập.
Ông Nguyễn Khánh Quang dẫn chứng, cuối năm 2016, lực lượng hải quan phát hiện, xử lý lô hàng quá cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia. Qua công tác thu thập, xác minh thông tin, lực lượng hải quan tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng hóa đã thẩm lậu vào Việt Nam.
Lô hàng quá cảnh này khai báo hải quan là 178 chiếc điện thoại di động Iphone 7 và Iphone 7 Plus có trị giá lên đến 7 tỷ đồng đóng trong container vẫn còn nguyên niêm phong kẹp chì nhưng đã bị tháo cửa “đánh tráo” bằng mặt hàng kem đánh răng, hàng tạp hóa.
Tiếp đến, trong tháng 1/2017, lượng hải quan đã phát hiện một vụ buôn lậu có đường đi, thủ đoạn như vụ việc nêu trên. Chủ hàng khai hải quan là hàng bách hóa dùng trong gia đình (kệ bếp, thảm lót sàn bếp…). Tuy nhiên, khi kiểm tra lực lượng hải quan đã phát hiện hàng hóa gồm: 1.527 chai nước hoa, 58 chai rượu ngoại, 607 điện thoại Iphone 6 và Iphone 7; 106 đồng hồ đeo tay; 86 máy tính bảng…; tổng trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Hiện các vụ việc trên đang được lực lượng hải quan tiếp tục mở rộng, điều tra, xử lý theo trình tự pháp luật.
Được biết, trước thực tế các vụ việc buôn lậu do cơ quan hải quan triệt phá nêu trên, ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia - đã ký văn bản gửi BCĐ 389 các bộ, BCĐ 389 tỉnh, thành phố trọng điểm tăng cường kiểm soát, đấu tranh hoạt động buôn lậu từ lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa.
Trong đó, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu Bộ Tài chính rà soát quy định về quản lý đối với các loại hình vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu. Chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng quá cảnh, trung chuyển ngay từ khâu nhập khẩu cho đến khi thực xuất. Đối với các lô hàng đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.