Buôn lậu vẫn “nóng” trên các tuyến
Mặc dù lực lượng chức năng cả nước phát hiện xử lý lên đến hàng trăm nghìn vụ việc nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không hề thuyên giảm.
Số vụ vi phạm gia tăng
Có thể nói, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Thủ tướng Chỉnh phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo được phát đi từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã được các lực lượng thành viên: Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển cụ thể hóa bằng hàng trăm nghìn vụ việc đã được xử lý.
Cụ thể, số vụ việc phát sinh, số thu nộp vào ngân sách nhà nước qua công tác này năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử như năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp phát hiện, xử lý 211.559 vụ vi phạm (tăng 2,55%); thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 18.082 tỷ đồng (tăng 33,57% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ/với 1.863 đối tượng.
Qua công tác xử lý của lực lượng chức năng cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra rộng khắp từ các tuyến biên giới: Đường bộ, đường biển, đường hàng không và vào sâu trong nội địa. Hoạt động của các đối tượng cũng tinh vi hơn, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới, có tổ chức. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Khu vực biên giới đường bộ thuộc các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung, Tây Nam bộ vẫn là địa bàn thường xuyên xuất hiện các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Biên giới phía Bắc có các tỉnh: Điện Biên; Lào Cai; Cao Bằng; Lạng Sơn; Quảng Ninh và biên giới các tỉnh Bắc miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị…
Các loại hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ… hay hàng tiêu dùng: Rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, nước giải khát, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng… luôn được các đối tượng buôn lậu ưa dùng. Để vận chuyển trót lọt hàng nhập lậu, các đối tượng đánh hàng men theo đường mòn, lối mở, kênh rạch, suối biên giới, sau đó giấu trên các phương tiện xe ô tô tải, xe khách đã được gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật vận chuyển vào sâu trong nội địa.
Nổi lên trên tuyến đường sắt, các đối tượng đưa hàng lậu lên tầu, sau đó trà trộn trong toa hành lý của hành khách đưa vào nội địa. Quá trình bốc xếp, vận chuyển hàng hóa trên tuyến này thường bố trí người cảnh giới, giám sát báo tin, thậm chí huy động các thành phần quá khích cố tình cản trở gây rối để cướp hàng, giải vây cho đồng bọn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.
Không chỉ phức tạp trên tuyến đường bộ, ở trong nội địa, “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu vào mặt hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, phân bón, thuộc bảo vệ thực vật… vẫn còn hoành hành. Không chỉ xuất hiện các loại hàng giả được vận chuyển trái phép vào Việt Nam mà còn một số cơ sở trong nước lén lút gia công, đóng gói, thậm chí trực tiếp sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Các đối tượng còn tìm mua hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá thành rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Nhằm đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm giả mạo được bán trà trộn với hàng thật, một phần nhỏ đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cần sự quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương
Trước tình hình số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng theo từng năm, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ vai trò trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tại cơ sở đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn thành phố, thị xã, các phường, xã, huyện biên giới trọng điểm; các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không…
Bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch tập trung đánh mạnh vào phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng chủ mưu, nhóm mặt hàng, cũng như đề ra phương án, giải pháp đấu tranh; phân công, giao chỉ tiêu cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trực tiếp quản lý địa bàn theo hướng tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra, số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính, hình sự…
Song song với đó, các bộ, ngành địa phương cần tập trung thanh tra, kiểm tra, đấu tranh mạnh, kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng Hải quan các địa phương nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, bưu điện… để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Lực lượng Hải quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển trong tuần tra kiểm soát biến giới đường bộ và trên biển; chủ động xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với các mặt hàng trọng điểm.