Tháo gỡ chồng chéo nhiệm vụ giữa Hải quan và Biên phòng
Mặc dù quy định pháp luật đã phân định rõ trách nhiệm của hai lực lượng Hải quan, Biên phòng trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu, tuy nhiên, những quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng lại có những hướng dẫn gây nên sự chồng chéo trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai lực lượng.
Mới đây nhất, tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ cũng chỉ rõ phải bỏ quy định Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát hồ sơ và hàng hóa XNK tại Điều 12 Thông tư số 09/2016/TT-BQP.
Thông tư 09 có điểm trái luật
Những vấn đề bất cập tại Thông tư 09/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý của khẩu biên giới đất liền đã từng được cơ quan Hải quan, DN lên tiếng nhiều lần ngay khi thông tư được ban hành năm 2016. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đã vào cuộc để kiểm tra các điểm trái luật của thông tư này.
Thực tế, khi khảo sát việc thực hiện thủ tục hải quan tại một số cửa khẩu biên giới, cơ quan Hải quan đã nhận thấy có sự chồng chéo về kiểm tra hàng hóa giữa lực lượng Biên phòng và Hải quan. Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), hiện nay trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu trong việc kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải khá chồng chéo giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng.
Qua công tác kiểm tra thực tế tại các cục Hải quan địa phương có biên giới giáp Lào (như Hà Tĩnh, Nghệ An), Tổng cục Hải quan nhận thấy có hiện tượng Bộ đội Biên phòng can thiệp sâu vào công tác quản lý hàng hóa XK, NK của cơ quan Hải quan. Có tình trạng hồ sơ hải quan đã được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan đối với phương tiện vận tải, hàng hóa nhưng khi qua cửa khẩu, DN lại tiếp tục mang hồ sơ hải quan đến Bộ đội Biên phòng để kiểm tra, xác nhận.
Phóng viên cũng đã từng ghi nhận thực tế về vấn đề này tại địa bàn Quảng Trị. Do có sự chồng chéo trong trách nhiệm kiểm tra hàng hóa XNK nên tại một số cửa khẩu có tình trạng DN bị kiểm tra hàng hóa 2 lần dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa XNK bị chậm trễ.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để chỉ rõ các khoản, điều chưa phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 09/2016/TT-BQP. Tại kết luận kiểm tra tháng 9/2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã chỉ rõ những nội dung trái luật tại Thông tư này.
Cụ thể, Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BQP quy định: “Công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa XK, NK của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu: a, Kiểm tra đối với hàng hóa XK, NK: Để đảm bảo hàng hóa đã hoàn thành thủ tục NK, XK trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến chủ hàng, DN và hàng hóa XK, NK theo quy định của pháp luật. b, Kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bao an ninh quốc gia:
Kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hàng hóa; tập trung phát hiện các dấu hiệu liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, buôn lậu và gian lận thương mại, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XK, NK; hàng hóa thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hải quan được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (trừ trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật),…”.
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đối chiếu các quy định nêu trên với Luật Hải quan (Điều 12, Điều 35), Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan (Điều 27, Điều 29), Nghị định 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (Điều 6, Điều 22) thì cơ quan Hải quan có nhiệm vụ chủ trì kiểm tra thực tế hàng hóa (có thẩm quyền quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa);
Bộ đội Biên phòng cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới. Do đó, việc quy định như tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2016/TT-BTC là không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của DN.
Chính phủ yêu cầu sửa đổi
Mới đây nhất, tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng bãi bỏ quy định Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát hồ sơ và hàng hóa XNK tại Điều 12 Thông tư số 09/2016/TT-BQP, đảm bảo phù hợp với Luật Hải quan; đồng thời nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại Bộ Quốc phòng cũng đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2016/TT-BQP. Theo đó, Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung quy định về công tác “phối hợp” kiểm tra, giám sát hàng hóa XK, NK của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu; trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong đề xuất xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; trình tự thực hiện thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Cụ thể, Điểm a, b Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Công tác phối hợp của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XK, NK: a, Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu kiểm tra giấy tờ liên quan đến chủ hàng, DN, hàng hóa XK, NK để đảm bảo hàng hóa đã hoàn thành thủ tục NK, XK trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật. b, Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu kiểm tra, giám sát và đối chiếu thực tế sự phù hợp giữa hàng hóa với hồ sơ hàng hóa...".
Góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BQP, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Quốc phòng rà soát toàn bộ Thông tư 09/2016/TT-BQP để bãi bỏ các quy định liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK của Bộ đội Biên phòng vì không thuộc nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK Bộ Quốc phòng cần quy định cụ thể theo hướng "Bộ đội Biên phòng phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK theo yêu cầu của cơ quan Hải quan".
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng một điểm trong Thông tư 09/2016/TT-BQP cũng cần được Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung, đó là quy định về làm thủ tục cho phương tiện XNC. Tại Điều 9 của Thông tư 09/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ Điều 12 và Điều 16 Luật Hải quan thì cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện thủ tục cho phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, theo đó quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 09/2016/TT-BQP là chưa phù hợp với quy định tại Luật Hải quan. Do đó để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về làm thủ tục cho phương tiện XNC đề phù hợp với Luật Hải quan.