Tỉnh Bình Thuận:
Quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC
Đến tháng 10 này là 5 năm từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cùng với cả nước, Bình Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Những năm qua, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận xác định phòng, chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong phòng, chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.
Đặc biệt là thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong năm 2020 và năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, song Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống khai thác IUU, góp phần cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Mới nhất, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Công văn số 5975/BNNTCTS ngày 12/9/2022 về việc triển khai các biện pháp trọng tâm chống khai thác IUU để chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của EC, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết để tiếp đón Đoàn EC. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống khai thác IUU.
Trong 9 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền 453 buổi/39.946 ngư dân, tổ chức cho chủ tàu, thuyền trưởng ký 4.797 cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, cấp phát 3.346 bản đồ, tờ rơi các loại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục pháp luật với tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động tại cảng, trên biển và thông qua giám sát hành trình.
Thực hiện lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là tàu cá thường xuyên lưu trú, hoạt động ngoài tỉnh, tàu cá không đăng ký... đưa vào diện giám sát đặc biệt, phối hợp các tỉnh, các lực lượng trên biển tăng cường quản lý. Xử lý nghiêm đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; ngoài việc xử phạt hành chính theo khung pháp luật quy định còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Với những biện pháp quyết liệt như trên, suốt gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến giữa năm 2021), Bình Thuận không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy vậy, từ giữa tháng 6/2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện 5 tàu cá/39 lao động của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ.
Đáng chú ý, các tàu cá này thường xuyên lưu trú và xuất bến ngoài tỉnh, ít khi về địa phương nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đang chỉ đạo lực lượng Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tỉnh bạn (nơi tàu lưu trú) xác minh làm rõ, để xử lý.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Song song đó, việc kiểm tra, kiểm soát lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá ngư dân được các lực lượng chức năng và địa phương triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, kiên quyết không cho tàu xuất bến đi khai thác nếu chưa lắp đặt thiết bị VMS. Nhằm hỗ trợ cho ngư dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sẽ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi tàu cá. Tính đến ngày 15/9/2022, đã có 1.902 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS/1.926 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động (trong tổng số 1.947 tàu cá đã đăng ký) đạt 98,8%. Thời gian tới, trên cơ sở triển khai chính sách, UBND tỉnh sẽ vận động ngư dân sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS đảm bảo đạt 100% theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư, đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh đặt tại Chi cục Thủy sản và 3 Trạm dữ liệu tại 3 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá phục vụ theo dõi, giám sát, phát hiện, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Không chỉ vậy, tỉnh đã chỉ đạo thống kê, rà soát lại toàn bộ tàu cá trên địa bàn tỉnh để quản lý chặt chẽ năng lực khai thác; ban hành quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển tại tỉnh Bình Thuận.
Đến nay, số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 4.749 giấy phép/5.684 tàu cá đăng ký, đạt tỷ lệ 84% (riêng tàu cá từ 15m trở lên đạt 95,3%). Việc chấp hành quy định kiểm tra, giám sát tàu cá ra vào cảng, sản lượng lên bến và xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, công tác thực thi pháp luật phòng, chống khai thác IUU được tăng cường, nâng cao tác dụng răn đe, cảnh báo. Các lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Năm 2021, xử phạt 343 vụ với số tiền là 3,8 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, đã xử phạt 239 vụ vi phạm với số tiền 2,6 tỷ đồng.
Đoàn Kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần 3 vào tháng 10 tới. Do đó, nhiệm vụ của các địa phương vùng biển phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, trước hết là kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Để làm được điều đó đạt hiệu quả hơn, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chỉ đạo lực lượng chức năng trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển xa bờ, vùng giáp ranh để bảo vệ ngư dân. Đ
Đồng thời giám sát, xử lý kịp thời các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 67 của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách phát triển thủy sản bền vững. Đặc biệt chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi các nghề khai thác tác động tiêu cực đến nguồn lợi, môi trường (nhất là nghề lưới kéo).
Ngoài ra, Chính phủ nên ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai. Nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân đồng thời đáp ứng yêu cầu quy định về phòng, chống khai thác IUU tại cảng cá theo khuyến nghị của EC.