Cà Mau tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản phẩm OCOP


Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024 là dịp để tỉnh Cà Mau đánh giá lại việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng các sản phẩm nông, thuỷ sản. Đồng thời tìm kiếm những giải pháp phối hợp xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh Cà Mau.

Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024. Ảnh: Trung Đỉnh
Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024. Ảnh: Trung Đỉnh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Hội nghị do UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Công thương tổ chức, với sự tham dự của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn sử, lãnh đạo thương vụ các nước tại Việt Nam và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, thuộc Bộ Công thương và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, đối tác các nước trong khu vực, trên thế giới.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Đỉnh
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Đỉnh

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Cà Mau là tỉnh địa đầu, cực Nam Tổ quốc với 3 mặt giáp biển, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, với sản lượng tôm hằng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm.

So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau nói có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc…

Tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ vào sản lượng lớn mà còn nhờ vào chất lượng vượt trội, được phát triển theo nhiều mô hình nuôi sinh thái, đạt nhiều chứng nhận quốc tế. Ngoài tôm, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, nổi bật với vị ngon, ngọt, chắc thịt đặc trưng, khó có nơi nào sánh bằng. Cua Cà Mau được nuôi xen kẽ với tôm và các loài thuỷ sản khác trên diện tích khoảng 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi năm.

Nhờ vào đặc trưng về thổ nhưỡng và nguồn nước sạch, nuôi xen canh dưới tán rừng nên cua Cà Mau có hương vị tươi ngon, giàu dưỡng chất, được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng. Sản phẩm cua Cà Mau hiện đã được xuất khẩu sang các quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia… với tiềm năng phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Đỉnh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Ảnh: Trung Đỉnh

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hoá và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, các sản phẩm OCOP của Cà Mau mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng. Mỗi sản phẩm không chỉ là kết quả của sự nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, mà còn là sự cam kết về chất lượng và sự phát triển bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5.305 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 64.570 tỷ đồng; 459 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 146.700 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 163,5 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ logistic, thị trường tín chỉ carbon…

Hội nghị, còn giành nhiều thời gian để lãnh đạo thương vụ các nước tại Việt Nam và thương vụ Việt Nam tại các nước; lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp, nhà buôn, trao đổi, mở rộng chuỗi cung ứng hiện tại, xây dựng các chuỗi cung ứng mới theo hướng bền vững hơn, góp phần đưa các sản phẩm nông, thuỷ sản chủ lực của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để đánh giá lại việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng các sản phẩm nông, thuỷ sản; đồng thời tìm kiếm những giải pháp phối hợp xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và đối tác tiếp cận, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thuỷ sản chất lượng cao, cùng các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, thân thiện môi trường, dồi dào về số lượng, ổn định về giá cả, tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp và đối tác mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh, vị thế thương hiệu, đạt được lợi nhuận bền vững và phát triển trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay.

Trước đó, ngày 14/11, các cơ quan, doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các nhà máy chế biến thuỷ sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.                                   

Theo báo Cà Mau