Cả nước có khoảng 8.000 doanh nghiệp “mất tích”, nợ BHXH gần 2.000 tỷ đồng

PV.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH vẫn gia tăng về số tuyệt đối, trong khi tỷ lệ thì vẫn giữ nguyên được như mức cuối năm 2017.

Đến nay, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 12.960 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 12.960 tỷ đồng.
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), cho biết đến nay tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 12.960 tỷ đồng. Trong tổng số nợ, thì nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ đồng, nợ BHYT khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo ông Mai Đức Thắng, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN "mất tích", với nợ BHXH khoảng 2.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi. Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ DN đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng “mất tích”. Một trong những hậu quả của việc này là khoản nợ BHXH, BHYT và lương lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động.
Cơ quan BHXH đang gặp nhiều khó khăn đối với những trường hợp chủ DN bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, DN chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH.
Theo các chuyên gia, phương án thanh lý tài sản của chủ DN FDI bỏ trốn để giải quyết tiền nợ đóng BHXH cho người lao động rất khó thực thi. Bởi đầu tư về vốn của các DN FDI không lớn, nên khi thanh lý thì những tài sản này vẫn chưa trả đủ phần vốn vay của các ngân hàng, nên nợ BHXH không được giải quyết. Hoặc trong một số trường hợp tài sản vốn liếng của DN lớn thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên trước.
Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, xử phạt nghiêm ngặt, đồng thời định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ; tăng cường công tác thanh tra và cung cấp số liệu, danh sách đơn vị nợ cho ngành công đoàn, phục vụ công tác khởi kiện.
BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Khi cơ quan BHXH quyết định thanh tra DN, rất nhiều DN đã trả nợ ngay hoặc trả nợ một phần.
Năm 2018, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị vi phạm, cơ quan BHXH nhiều địa phương  như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển hồ sơ những DN cố tình chây ỳ khắc phục nợ BHXH sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự. Cơ quan BHXH nhiều địa phương cũng tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực BHXH.
Cùng với đó, cơ quan BHXH phối hợp cơ quan công an trong việc trao đổi thông tin các đơn vị sử dụng lao động còn nợ, trốn đóng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 theo hướng xử lý hình sự những chủ DN trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, đồng thời đã làm tăng trách nhiệm đối với hành vi vi phạm này. Cá nhân, pháp nhân phải chịu hình phạt nặng hơn nhiều so với quy định trước đây. Đây là cơ sở ràng buộc cá nhân, pháp nhân có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, không ít DN vẫn chưa có xu hướng khắc phục việc nợ BHXH cũng như các chế độ khác của người lao động trong khi thời gian chây ỳ đóng BHXH từ hai đến ba năm, thậm chí có đơn vị nợ bảy, tám năm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động.
Theo nhận định của nhiều luật sư, hiện vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động lách luật để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định, như không ký hợp đồng với người lao động, ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc (hợp đồng cộng tác viên) hoặc mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức người lao động thực nhận. Do đó, những hành vi vi phạm vẫn chưa thể xử lý triệt để, kịp thời.