Các chính sách đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản
Trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản đã được cải thiện, riêng năm 2015 đã có sự mua bán, tăng trưởng đến 75%. Theo các chuyên gia, có được kết quả này là nhờ một số chính sách, luật mới được ban hành, đặc biệt là Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ tháng 7.2015. Tuy nhiên, để thị trường tránh tình trạng bong bóng bất động sản trong tương lai thì Chính phủ cần phải đưa ra các chính sách có tác động đến thị trường mạnh mẽ hơn nữa.
Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản tác động tốt tới thị trường
Ông Phạm Minh Tuấn – Phó TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cho biết, lĩnh vực kinh doanh bất động sản là một lĩnh vực đặc thù, được chi phối bởi rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản… Kể từ khi Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản được áp dụng từ tháng 7.2015, đã có sự điều chỉnh tốt hơn, tích hợp đồng bộ các luật liên quan. Bởi Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS ra đời đã tác động tới 3 đối tượng: Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước đã có những quy định cụ thể, rõ ràng để thực thi tốt công tác quản lý đúng quy định. Thứ hai, đối với doanh nghiệp, Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sảnđã giúp doanh nghiệp có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn, giúp doanh nghiệp thấy trước cần phải làm gì. Như vậy, hiệu quả rõ ràng là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đã thuận lợi hơn. Thứ ba, đối với khách hàng, Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản đã đưa ra những quy định khá đầy đủ để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, trong đó có quy định rõ chủ đầu tư sau bao nhiêu ngày kể từ khi bàn giao nhà phải có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, khi thu tiền khách hàng phải có bảo lãnh của ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất kỳlĩnh vực sản xuất nào thì chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực đó là rất quan trọng, đặc biệt là thị trường bất động sản. Nhà ở là tài sản rất lớn của các hộ gia đình. Đây không phải là hàng hóa đơn thuần, vì thế sự can thiệp của nhà nước, Chính phủ cần sâu hơn đối với các loại hàng hóa khác.
Luật Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã được thực thi gần 1 năm kể từ tháng 7.2015. Luậtđã cơ bản kế thừa, rút kinh nghiệm và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý trong thời gian qua. Nhờ có luật, mà lần đầu tiên các chỉ tiêu về phát triển nhà ở được thông qua hội đồng nhân dân. Theo đó, các tỉnh phải quan tâm, xây dựng chương trình hàng năm và trung hạn 5 năm,đồng thời phải dành quỹ đất cũng như các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu về nhà ở. Điều này tạo sức ép về mặt pháp lý đối với chính quyền trong việc lo nhà ở cho nhân dân.
Bên cạnh đó, quyền kinh doanh các doanh nghiệp trongvàngoài nướcđược mở rộng hơn, tự do hơn và được hòa nhập hơn. Các doanh nghiệp đều có sự bình đẳng với nhau trong các hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài ra, vấn đề đấu thầu, đấu giá, các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản đều được làm ngắn gọn và rõ ràng dễ hiểu. Người nước ngoài được tạo chính sách mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây là quy định mới trong luật và đã có tác động mới trong thị trường bất động sản. Trên thực tế, số lượng người nước ngoài mua nhà trong 5 – 6 tháng gần đây đã vượt qua 6 năm làm thí điểm.
Luật có nhiều điều khoản siết chặt lại để tránh phát triển nóng, lệch lạc gây ra mất ổn định trong xã hội. Các doanh nghiệp bất động sản trước khi bán hàng đều phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan nhà nước, các địa phương và phải có sự chấp nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp bán nhà hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh ngân hàng. Quy đinh bằng phéploại trừ như vậy sẽ loại bỏ được nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, yếu kém và làm tay ngang, còn lại những doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính tham gia thị trường để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Thị trường bất động sản đang dần được hồi phục
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá tiềm năng của thị trường bất động sản đang dần được hồi phục từ năm 2014 và biểu hiện rõ ràng hơn trong năm 2015 sau khi Chính phủ đưa ra một số giải pháp để thị trường hồi phục. So sánh với thời kỳ trầm lắng của gia đoạn khủng hoảng 2011 - 2014, năm 2015 đã có sự mua bán, tăng trưởng đến 75%.
Bắt đầu nửa cuối 2015 đến nay đã lan tỏa ra khắp các phân khúc của thị trường. Giao dịch trước đây tập trung chủ yếu ở người có nhu cầu, giờ các nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền ra mua để cho thuê như condotel (loại hình căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng) hay khách sạn nghỉ dưỡng cho thuê, kiếm lời và bảo đảm tài sản của mình.
Đồng quan điểm, Bà Đỗ Thị Thu Hằng – PGĐ Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nộiđánh giáthị trường bất động sản trong đầu năm 2016 phát triển khá ổn định và không có nhiều thay đổi, mặc dù đã có những quan ngại ban đầu về những chính sách có thể thay đổi. Thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2016 vẫn duy trì hoạt động tích cực so với lượng giao dịch cao của quý I.2015, tuy có giảm so với quý IV.2015. Dự đoán thị trường cuối năm 2016 và đầu năm 2017 vẫn sẽ đón nhận nhiều nguồn cung và nguồn cầu, giá các sản phẩm bất động sản cũng giữ nhịp ổn định. Theo các khảo sát nghiên cứu của Savills, lượng căn hộ tung bán tại thị trường Hà Nội trong năm 2017 vẫn khoảng hơn 20.000 căn, giữ mức tương đương như trong năm 2015, 2016 ở mức ổn định. Ở phân khúc nhà ở thấp tầng, có nhiều chủ đầu tư cũng đã có kế hoạch mở bán trong năm 2017, tuy nhiên các dự án này sẽ là các dự án có vị trí gần với các khu có hạ tầng xã hội cũng như tiện ích đầy đủ, thuận tiện giao thông.
Để tránh tình trạng bong bóng bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Trần Nam đưa ra một số gợi ý dành cho Chính phủ và doanh nghiệp. Thứ nhất, Chính phủ phải dự báo và có chính sách ổn định, coi trọng thị trường bất động sản, đưa ra các chính sách có tác động đến thị trường, đặc biệt là chính sách về tiền tệ, dòng tiền, dòng vốn, quan điểm của ngân hàng nhà nước. Thứ hai, doanh nghiệp phải rút ra bài học của mình và từ đó có thể đưa ra được các chiến lược và cơ cấu hàng hóa, giá cả phù hợp.
Ông Nguyễn Trần Nam còn cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, định hướng các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.