Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực
Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Những số liệu khả quan về doanh nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng năm 2015, số DN thành lập mới của cả nước là 45.406 DN với tổng số vốn đăng ký là 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số DN và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 10.988 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308.809 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2015 là 591.205 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới là 651.398 lao động, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 27.051 DN, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước gồm: 8.898 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 18.153 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Trong 6 tháng năm 2015, cả nước có 8.507 DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN
Trên đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn. Đồng thời, điều này cho thấy rằng, các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực DN phát triển.
Sau các Nghị quyết số 08/2011/QH13, Nghị quyết số 29/2012/QH13, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013, Luật số 32/2013/QH13… và các giải pháp tài chính khác để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, để tiếp tục vực dậy sản xuất kinh doanh trong cộng đồng DN trong năm 2015, ngay từ năm 2014, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách tài chính hỗ trợ DN. Điển hình như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế (có hiệu lực thi hình từ ngày 01/01/2015). Chính phủ cũng đã ban hành một số giải pháp, chính sách thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thông qua Nghị định 91/2014/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 4 nghị định về thuế; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế… Các chính sách này cơ bản tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN, với nhiều “trợ lực” được áp dụng ngay trong năm 2014.
Năm 2015, chính sách thuế tiếp tục được triển khai theo hướng hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Những điểm mới quan trọng được nêu rõ tại Luật số 71/2014/QH13, Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật về thuế và các văn bản hướng dẫn. Các quy định về chính sách ưu đãi thuế, về điều kiện, thời gian ưu đãi thuế rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho DN vào bao trùm rộng rãi trên các sắc thuế: thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế thua nhập cá nhân, công tác quản lý thuế... Song hành cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQQ-CP của Chính phủ; đồng thời, triển khai nhiều chính sách khơi thông thị trường vốn, thúc đẩy DN phát hành trái phiếu để huy động vốn thay vì các kênh huy động truyền thống...
Hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ như trên được triển khai mạnh mẽ đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng DN trong và ngoài nước.