Thị trường tuần mới (28/7 – 02/8): VN-Index xác lập mặt bằng giá cao nhất, nên giữ hay bán?

Trâm Anh

Không phải mọi đỉnh cao đều đồng nghĩa với an toàn. Khi VN-Index chính thức vượt qua mốc lịch sử và thiết lập mặt bằng giá mới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào một giai đoạn mà ranh giới giữa hưng phấn và thận trọng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Thị trường đang bước vào vùng thử thách
Thị trường đang bước vào vùng thử thách

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II đang dần hé lộ nhưng phân hóa rõ nét, dòng tiền vẫn giữ nhịp ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, trong khi lực bán kỹ thuật đã bắt đầu quay trở lại tại một số mã vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chuyển hướng bán ròng và mặt bằng định giá đã không còn rẻ. Đây là thời điểm nhà đầu tư cần nhìn rõ hơn các chuyển động phía sau chỉ số – để không bị cuốn theo quán tính thị trường.

Đà tăng thiếu lan tỏa: Cảnh báo từ dòng tiền

Tuần giao dịch kết thúc ngày 25/7 ghi nhận mức tăng 2,2% của VN-Index – nối dài chuỗi tăng ấn tượng lên 6 tuần liên tiếp. Thanh khoản toàn TTCK duy trì đà cải thiện và đạt mức trung bình cao nhất kể từ đầu tháng 6, cho thấy dòng tiền nội vẫn duy trì vai trò chủ lực.

Tuy vậy, sự lan tỏa của đà tăng đang có dấu hiệu thu hẹp. BSC Research lưu ý rằng 5 cổ phiếu – VPB, VJC, HDB, HVN, GEX – đóng góp tới một nửa số điểm tăng của chỉ số, trong khi các trụ lớn như VIC, TCB và MSN điều chỉnh nhẹ. Điều này cho thấy lực nâng thị trường hiện tại mang tính dẫn dắt đơn lẻ, thiếu đồng thuận và tiềm ẩn rủi ro khi tiến sâu vào vùng giá cao.

Về ngành, 15/18 nhóm vẫn giữ được sắc xanh, trong đó Du lịch & Giải trí tăng mạnh 6,4%, Dịch vụ tài chính tăng 5.3%, trái ngược với nhóm bất động sản và bảo hiểm giảm trên 1,2%. Đây là hệ quả rõ nét của sự phân hóa theo kỳ vọng kết quả kinh doanh – điều BSC cũng cảnh báo trong nhận định tuần trước đó.

Không chỉ TTCK trong nước, bối cảnh quốc tế cũng phần nào hỗ trợ tâm lý. Chứng khoán Mỹ tiếp tục thiết lập đỉnh mới nhờ mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý II khởi sắc. Tính đến ngày 25/7, các chỉ số chính tại Mỹ tăng bình quân 1.1%, trong đó S&P 500 và Nasdaq cùng lập đỉnh. Chỉ số EU600 của châu Âu tăng 0.5%, Nikkei 225 tăng 3.9%, và CSI 300 của Trung Quốc tăng 1.7%. BSC Research đánh giá rằng dù tâm lý toàn cầu tích cực, thị trường vẫn bị chi phối bởi các yếu tố như bất đồng về chính sách lãi suất tại Mỹ hay tiến trình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và EU.

Kết quả kinh doanh quý II phân hóa, khối ngoại đổi chiều: Rủi ro tái cơ cấu

Dữ liệu cập nhật đến ngày 25/7 cho thấy 568/1.666 doanh nghiệp niêm yết đã công bố KQKD quý II, với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20% so với cùng kỳ, nhưng giảm 16,2% so với quý I. Trong khi đó, sàn HOSE ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn – 16,7%, phản ánh áp lực suy giảm lợi nhuận lan rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu chủ chốt.

Đáng chú ý, trong rổ VN30 – chiếm tỷ trọng lớn về vốn hóa – chỉ có 4/30 mã ghi nhận tăng trưởng dương, với mức tăng trung bình chỉ đạt 13,4%. Nhóm ngân hàng – dù vẫn là điểm tựa thị trường – cũng chỉ tăng trưởng lợi nhuận 11,8%. Theo BSC, điều này phản ánh mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu lớn đã đi trước kỳ vọng, trong khi động lực thực tế lại không còn mạnh như quý trước.

BSC Research khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt
BSC Research khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu trên HOSE có tăng trưởng thấp hơn so với toàn thị trường, cho thấy sự phân hóa theo sàn cũng bắt đầu rõ nét hơn. Một phần nguyên nhân đến từ việc một số doanh nghiệp lớn vẫn chưa công bố KQKD và có thể làm thay đổi bức tranh chung trong tuần tới.

Thêm vào đó, khối ngoại đã chấm dứt chuỗi ba tuần mua ròng, chuyển sang bán ròng 57 triệu USD – đảo chiều hoàn toàn so với mức mua ròng 37 triệu USD tuần trước. BSC Research nhận định động thái này có thể tạo áp lực lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngắn hạn, đặc biệt khi các thị trường khu vực cũng đang chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh sau mùa KQKD.

Trên thị trường hàng hóa, chỉ số hàng hóa toàn cầu tăng 0,3%. Kim loại tiếp tục giữ đà tăng tốt: Đồng tăng 4,3%, thiếc tăng 4,9%, thép tăng 3,9%, bạc tăng 2.2%, trong khi vàng tăng nhẹ 0,3%. Riêng khí tự nhiên giảm mạnh 13,1%. Đồng thời, chỉ số DXY điều chỉnh âm (-) 0,8%, trong khi lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm nhẹ xuống còn 4,.39%. Những chuyển động này cho thấy yếu tố lạm phát toàn cầu vẫn cần theo dõi, nhất là trước khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố chính sách tháng 8.

Giao dịch tuần mới: Giữ nhịp, thận trọng định vị lại

Mùa cơ cấu danh mục quý III của các quỹ ETF theo VN30, VNFinlead và VNDiamond đang đến gần, có thể tạo ra biến động kỹ thuật – đặc biệt ở các mã được tăng tỷ trọng. Cùng lúc, mặt bằng lãi suất thấp và tín hiệu mới room tín dụng tiếp tục hỗ trợ cho dòng tiền cá nhân, góp phần giữ nhịp tăng của thị trường.

Tuy vậy, theo BSC Research, khả năng VN-Index vượt tiếp vùng 1.500 điểm trong tuần tới sẽ cần thêm thời gian để xác nhận, do định giá hiện đã tiệm cận mức cao và lực nâng không còn lan tỏa.

Trong bối cảnh đó, BSC Research khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu lại danh mục theo hướng thận trọng nhưng không quá phòng thủ. Tỷ trọng cổ phiếu hợp lý nên duy trì trong khoảng 60–70% tổng tài sản, tùy theo khẩu vị rủi ro. Ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II thực sự nổi bật, thanh khoản ổn định, chưa tăng nóng và đang tích lũy chặt chẽ.

Đồng thời, cần tránh mua đuổi trong các nhịp tăng mạnh đầu phiên, và chủ động chốt lời từng phần tại các cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận, nhằm đảm bảo sự chủ động trong điều chỉnh vị thế. Theo BSC Research, các nhịp điều chỉnh kỹ thuật – nếu xảy ra – sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục hơn là rủi ro xu hướng.

TTCK đang bước vào vùng thử thách: Nếu dòng tiền nội tiếp tục ổn định và nhà ĐTNN quay trở lại khi định giá trở nên hợp lý hơn, VN-Index có thể thiết lập mặt bằng giá mới. Ngược lại, nếu thiếu sự đồng thuận về dòng tiền và KQKD, nhịp điều chỉnh là điều khó tránh khỏi – và cần được xem là cơ hội tái cơ cấu danh mục thay vì tín hiệu tiêu cực.