Nhật Bản áp giá trần đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga


Ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã tham gia biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Nhật Bản thông báo tham gia biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 6/2. Ảnh: Reuters
Nhật Bản thông báo tham gia biện pháp áp giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Thông cáo của bộ trên nêu rõ, Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp liên quan đến nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất tại Nga với giá cao hơn mức cận biên. Cụ thể đối với các sản phẩm dầu cao cấp là 100 USD/thùng, đối với các sản phẩm dầu giá rẻ là 40 USD/thùng.

Các biện pháp của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/2, ngoại trừ những giao dịch mua bán được ký kết trước đó mà hoạt động bốc xếp hàng đã hoàn tất trước thời điểm này.

Trước đó, ngày 5/2, Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã chính thức thông qua quyết định áp đặt mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga được vận chuyển bằng đường biển, ở mức 100 USD đối với nhiên liệu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giảm giá.

Tháng 12/2022, EU cùng các đồng minh trong G7 và Australia cũng đã áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Theo quy định về giá trần với dầu thô của Nga, các bên tham gia "Liên minh giá trần" sẽ không cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển nếu giá mua trên 60 USD/thùng. Các thành viên của "Liên minh giá trần" cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hiệu quả của mức giá, cũng như sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá khi thích hợp.

EU cho biết mức giá trần sẽ được xem xét 2 tháng một lần, với cơ chế điều chỉnh được áp dụng để giữ mức trần giá thấp hơn ít nhất 5% so với mức thị trường. Trong khi đó, G7 và Australia cho biết sẽ đánh giá lại về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 3 tới.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng việc phương Tây áp giá trần lên dầu mỏ của Nga là một hành vi can thiệp thô bạo, đi ngược lại các nguyên tắc tự do thương mại và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu. Moskva khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mua dầu của nước này và cho rằng các Chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là động thái “nguy hiểm”.

Ngày 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh về các biện pháp trả đũa nhằm đáp lại việc các nước áp dụng giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Moskva đã cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga cho các quốc gia áp dụng giá trần trong hợp đồng.

Sắc lệnh do được Tổng thống Putin ký có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và có hiệu lực đến ngày 1/7/2023. Sắc lệnh cũng cấm giao hàng nếu các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến giá trần./.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn