Theo Financial Times, tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính do một loạt các yếu tố, bao gồm sự năng động của Trung Quốc suy yếu, nền kinh tế Đông Âu hoạt động phập phù và kinh tế khu vực Mỹ Latinh tăng trưởng chậm lại.
Bằng chứng về việc các nền kinh tế mới nổi đang bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm lại sẽ làm tăng lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu khi các nước phương Tây tiếp tục gặp khó khăn, giá dầu đang rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm và tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức đang suy yếu.
Số liệu từ 19 nền kinh tế mới nổi lớn do hãng nghiên cứu Capital Economics theo dõi cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 8 và chi tiêu của người tiêu dùng trong quý 2/2014 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 cũng giảm mạnh.
Những xu hướng này đang góp phần làm tạo ra cảm giác rằng nhóm các nền kinh tế năng động nhất thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Mới tuần trước, trong cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhà kinh tế trưởng của tổ chức này, ông Olivier Blanchard, nhận định đã có "một sự thay đổi khá lớn về tình trạng" của các thị trường mới nổi trong trung hạn.
Còn bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của IMF, cho biết "rõ ràng đã có một sự giảm tốc mạnh tại các nền kinh tế như Brazil và Nga", áp chỉ rằng việc rút chương trình nới lỏng định lượng sẽ tạo ra cú sốc cho các nền kinh tế mới nổi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh báo nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi. . . rằng phải chuẩn bị cho khả năng biến động lớn hơn một chút so với cách đây vài tháng, " bà Largarde nói.
Theo ông George Magnus, cố vấn cấp cao của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), thì giai đoạn tăng tốc mạnh trong tăng trưởng của các thị trường mới nổi từ năm 2006 đến năm 2012 đã qua, thể hiện qua việc IMF đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng đối với các thị trường này trong 6 lần kể từ cuối năm 2011.
Dù số liệu thống kê chính thức chưa được công bố, nhưng các dự đoán được đưa ra khá ảm đạm. Kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý 3, giảm mạnh so với mức 7,5% của quý 2. Nước này sẽ công bố số liệu GDP vào tuần tới.
Brazil được dự kiến sẽ công bố tăng trưởng GDP đạt 0,3% trong năm nay, giảm so với con số 2,5% của năm 2013.
Theo tính toán của Capital Economics, tăng trưởng của các nước mới nổi đã giảm từ mức 4,5% trong tháng 6 xuống 4,3% vào tháng 7, và số liệu sơ bộ cho thấy tháng 8 có thể ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 10/2009.
Kinh tế sa sút tại Đông Âu, Mỹ Latinh và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực Châu Á mới nổi vẫn là khu vực có sự kháng cự tốt nhất trong số các khu vực kinh tế mới nổi, thể hiện qua việc sản lượng công nghiệp tăng trưởng 5% trong tháng 8, cao hơn so với mức bình quân 2% của các nền kinh tế mới nổi nói chung.
Theo ông Michael Power, chiến lược gia của Công ty quản lý tài sản Investec Asset Management, thì việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rút lại chương trình nới lỏng định lượng và nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc giảm sẽ là 2 yếu tố chính kìm hãm đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, ông cho rằng sự giảm tốc này mang bản chất chu kỳ. Theo ông, yếu tố dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đô thị sẽ góp phần bù đắp những nhược điểm đó.