Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp


Tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30/3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng thương mại cần tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp.
NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thông tin với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia toạ đàm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.

Mặc dù hiện nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng trong nước, NHNN vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng đang có thanh khoản tốt, thừa vốn nên NHNN khuyến khích cho vay.

"Thông điệp của NHNN là kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất huy động tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Trước nhiều kiến nghị thực hiện chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho biết căn cứ pháp lý đề xuất chính sách này đã được trình lên Thống đốc, NHNN sẽ sớm có thông điệp cụ thể. 

Phó Thống đốc cũng cho rằng cần thiết thực hiện giãn, hoãn nợ, tuy nhiên, lựa chọn ngành nghề nào, đối tượng nào, hoặc áp dụng chung cho nền kinh tế thì theo mức độ nào đều phải tính toán đảm bảo sự ổn định, an toàn tín dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tín dụng, kéo dài thời hạn trả nợ hoặc thêm vốn cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất chưa giải quyết hết những khó khăn của doanh nghiệp mà cần nhiều chính sách khác đồng bộ, trong đó có chính sách tài khoá, chính sách thuế hỗ trợ, chính sách thị trường…

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp kinh doanh Techcombank cho biết từ đầu năm 2023, Techcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất tới 2% cho khách hàng doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông qua các nền tảng số, Techcombank đã thực hiện điều chỉnh cắt giảm các thủ tục, giảm thời gian cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Techcombank dựa trên "hồ sơ sức khỏe" từng doanh nghiệp đã phê duyệt trước các hạn mức tín dụng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn thông qua đăng ký sử dụng các hạn mức trên nền tảng số.

Với khách hàng doanh nghiệp lớn, ngân hàng tìm chuyên gia từng ngành, lĩnh vực để đánh giá tình hình khách hàng, từ đó thiết kế giải pháp tín dụng phù hợp.

Đề xuất linh hoạt điều kiện, công cụ thế chấp

Tuy nhiên, trên thực tế các hiệp hội, doanh nghiệp vẫn cho rằng khó tiếp cận tín dụng, nhất là các gói lãi suất ưu đãi.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vietthang Jean, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, bài toán lớn nhất của doanh nghiệp dệt may lúc này là dòng tiền.

Thị trường xuất khẩu giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.

"Hiện nay, doanh nghiệp dệt may cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động, đồng thời cũng cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc. Nếu ngành dệt may không chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ thì trong vài ba năm nữa sẽ tụt hậu", ông Phạm Văn Việt nói về tình hình của ngành và kiến nghị NHNN cũng như các ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ, linh hoạt điều kiện tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay và nhất là tính toán giảm lãi suất cho vay về dưới 10%.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng với tình hình thị trường hiện nay, lãi suất trên 10% thì doanh nghiệp không dám vay cho đầu tư dài hạn. Do vậy, ông Hòa kiến nghị NHNN tính toán, có giải pháp cho dòng vốn dài hạn 5-7 năm với lãi suất linh hoạt xuống dưới 10%.

Trước mắt, Chủ tịch HUBA cho rằng doanh nghiệp cần vốn lưu động để vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt hơn trong điều kiện cho vay, nếu vẫn giữ điều kiện như bình thường thì doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn.

"Rất mong các ngân hàng xem lại các điều kiện, quy định thế chấp, cần mềm hóa các quy định trong hoàn cảnh đặc biệt để tạo cơ hội cho dòng vốn đi vào sản xuất, kể cả việc định giá tài sản thế chấp như thế nào để chia sẻ với doanh nghiệp", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói và cho hay về phía Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp đang tích cực chủ động tìm thị trường ngách, mở rộng thị trường mới để tiêu thụ hàng tồn kho, sớm có dòng tiền. 

Ngoài ra, cũng cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp thuận lợi và nhanh chóng đưa các nguồn lực đất đai đủ pháp lý vào thế chấp.

Tháo gỡ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Nông nghiệp hiện là một trong những lĩnh vực đang gặp khó khăn tiếp cận vốn từ các ngân hàng. Do đặc thù quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện thế chấp, công cụ thế chấp khoản vay rất khó đáp ứng yêu cầu các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, kiêm Phó Chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam cho biết doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được hưởng lãi suất 8-8,5%/năm là chấp nhận được nhưng vấn đề là nông dân cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận vốn.

Theo ông Tùng, người nông dân từ Bắc vào Nam đầu tư trên đất, trồng cây lâu năm như mít, sầu riêng với vốn rất lớn, hằng năm tiếp tục cần vốn duy trì, nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn.

Do đó, Phó Chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, NHNN nghiên cứu chính sách để định giá được tài sản trên đất bởi khi cây trồng được vài năm, đã cho thu hoạch, chính là tài sản tại chỗ thì phải xem là tài sản có thể thế chấp.

Cùng vấn đề tín dụng cho người nông dân, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết đang có xu hướng điều chỉnh trong định giá tài sản và hạn mức vay bất lợi cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp. 

Cụ thể, người dân mua đất làm trang trại với giá rất cao nhưng khi thế chấp thì ngân hàng định giá rất thấp. Chưa kể việc điều chỉnh giảm hạn mức của ngân hàng đã gây khó khăn cho người nông dân.

Ông Ngọc đề xuất ngành ngân hàng có thể cho vay với tài sản hình thành trong tương lai (công nghệ, máy móc nhập khẩu đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn) để đầu tư đổi mới công nghệ và thực sự tạo cơ hội cho cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp tìm tiếng nói chung

Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ ngay sau toạ đàm, ông Đỗ Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết những vấn đề các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị là vướng mắc có thể đàm phán, giải quyết ở các ngân hàng thương mại, chưa phải điều chỉnh chính sách. 

Do vậy, NHNN sẽ tiếp cận giải quyết trên 3 giải pháp. Trước hết, tiếp tục thực hiện tốt các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại đăng ký với quy mô khoảng 453.000 tỷ đồng, thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất tốt hơn, cũng như xử lý nhanh về thủ tục giao dịch, thủ tục vay vốn để đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo thực hiện đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các nhóm kiến nghị tại toạ đàm, NHNN sẽ làm việc cụ thể, doanh nghiệp đang gặp khó khăn với tổ chức tín dụng nào thì 3 bên, gồm: NHNN, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp ngồi lại. Nếu vướng mắc thuộc về hành chính, thuộc yếu tố con người, thì tháo gỡ ngay. Những khó khăn về mặt chính sách sẽ tổng hợp báo cáo trình Thống đốc trên cơ sở phối hợp các bộ, ngành cùng chia sẻ với doanh nghiệp.

Ông Đỗ Đức Lệnh thông tin thêm hiện có 20 ngân hàng chủ động liên kết đưa ra gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 7-8% cho các nhóm ngành ưu tiên, gồm doanh nghiệp nhỏ vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Đây là chương trình do các ngân hàng hoàn toàn chủ động, không bị ràng buộc bởi cơ chế chính sách và được tổ chức triển khai thực hiện ngay.

Theo Băng Tâm/baochinhphu.vn