Chính sách tiền tệ linh hoạt giúp ngành Ngân hàng Việt Nam tránh được khủng hoảng
Chính sách tiền tệ phù hợp cùng phản ứng linh hoạt của Chính phủ giúp ngành Ngân hàng Việt Nam tránh được nhiều tổn thất trong bối cảnh tài chính toàn cầu lao đao, theo ông Peter Verhoeven – Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD.
Sự sụp đổ của nhiều ngân hàng của Mỹ như SVB, Silvergate Bank, Signature Bank, Republic Bank và cuộc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của UBS (Thụy Sĩ) đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu ngân hàng trong lo ngại về sự lây lan lan khủng hoảng, đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu.
Deutsche Bank có thể là nạn nhân tiếp theo, khi cổ phiếu lao dốc và chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ tăng đột biến vào cuối tuần trước, bất chấp vị thế thanh khoản và vốn mạnh của nhà băng này.
Nguyên nhân sâu xa của sự đổ vỡ dây chuyền này là lãi suất tăng nhanh đã bộc lộ những điểm yếu của thị trường, khiến các ngân hàng phải bán tháo trái phiếu sau khi dòng người gửi tiền ồ ạt rút khỏi ngân hàng do mất niềm tin.
Theo ông Peter Verhoeven – Chủ tịch Prometheus Asia SDN BHD, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng thời gian qua, nhưng cơ bản vẫn là do thất bại trong khâu quản lý, điều hành.
“Thất bại là hậu quả không thể tránh khỏi của chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới trong một khoảng thời gian tương đối ngắn”, ông Verhoeven chia sẻ.
Phương Tây đang ráo riết thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng những đợt tăng lãi suất liên tiếp, gây ra rạn nứt và đổ vỡ trong nền kinh tế, khiến 3 ngân hàng của Mỹ phải đóng cửa vì mất thanh khoản.
Trong khi đó, ở châu Á, một chính sách tiền tệ thận trọng nhưng linh hoạt được áp dụng để chèo lái nền kinh tế. Việt Nam gần như nước đầu tiên chuyển từ siết chặt tiền tệ là tăng lại suất sang nới lỏng tiền tệ - giảm lãi suất (trừ trường hợp ngoại lệ tại Trung Quốc và Nhật Bản).
Ông Peter Verhoeven nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền. VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trên thế giới.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN là một phần trong những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ những trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Thị trường tài chính, thương mại thế giới hiện tại đã thay đổi rất khác so với 15 năm trước đây (giai đoạn năm 2008). Theo đó, mức ảnh hưởng đến Việt Nam cũng sẽ rất khác. Vì vậy, Việt Nam có nhiều hơn một yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển trong tương lai.
Do vậy, bên cạnh chính sách tiền tệ, một loạt những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ gần đây như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết số 33/NQ-CP và gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng (với lãi suất cho vay thấp hơn, 1,5% - 2%) đã mang đến hy vọng về sự “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, góp phần giảm nợ xấu tại ngân hàng.
“Chính sách tiền tệ rất phức tạp, phải mất ít nhất 6 tháng mới biết được chính sách có hiệu quả hay không. Nhưng tôi đánh giá cao các giải pháp và chính sách điều hành của Chính phủ và NHNN Việt Nam hiện nay, giúp hệ thống ngân hàng tránh được cơn bão suy thoái, khủng hoảng đang lây lan”, chuyên gia Verhoeven cho biết.
Ngoài ra, chuyên gia tài chính - ngân hàng này cũng cho rằng, để tăng sức đề kháng trước khủng hoảng, NHNN cần phải tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, chú trọng chất lượng hoạt động, tính thanh khoản của các ngân hàng. Danh mục khoản vay của ngân hàng phải đảm bảo chất lượng về tiêu chuẩn bảo lãnh, quá trình phê duyệt, cơ cấu danh mục và giám sát danh mục đầu tư.