Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam
Việt Nam đang trong giai đoạn gấp rút thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam”. Bài viết nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam qua các khảo sát được thực hiện trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhân viên công ty chứng khoán. Phân tích từ các nghiên cứu, khảo sát, kết quả thu được có 5 yếu tố tác động đến phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam gồm: thể chế, chính sách pháp luật, yếu tố kinh tế, xã hội, công nghệ. Trên cơ sở kết quả phân tích, một số gợi ý được đề xuất hỗ trợ thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” đang từng bước được hoàn thiện cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho thị trường chứng khoán (TTCK) phá triển mạnh mẽ, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tích cực hơn nữa.
Để đưa TTCK phái sinh nhanh chóng đi vào vận hành, phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/NĐ-CP, ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh cũng được ban hành.
Cũng như các thị trường khác, TTCK phái sinh phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố vĩ mô. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển TTCK phái sinh tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó, đề xuất một số gợi ý để TTCK phái sinh Việt Nam có thể phát triển. Đối tượng của nghiên cứu là TTCK thời gian từ tháng 04/2016 đến tháng 06/2016.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Xem xét các nghiên cứu đã được thực hiện, đối với các nhân tố ảnh hưởng đến TTCK phái sinh, bài viết đề xuất mô hình gồm 5 nhóm nhân tố, trong đó, các nhóm nhân tố trong giả thiết từ H1 đến H5 là biến độc lập và 1 nhóm nhân tố H6 là biến phụ thuộc. Các giả thiết của mô hình được trình bày cụ thể ở bảng 1. Thang đo và độ tin cậy của các biến được đánh giá bằng hệ số Cronbach’s Anpha và phương pháp phân tích nhân tố EFA. Các phân tích trên được thực hiện với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS phiên bản 16.
Phương pháp lấy mẫu thuận tiện được sử dụng trong nghiên cứu này. Thang đo Likert với dãy giá trị từ 1 đến 5 được sử dụng để đo lường cảm nhận của đối tượng khảo sát đối với các yếu tố ảnh hưởng đến hình thành và phát triển TTCK phái sinh. Bảng câu hỏi được xây dựng sau quá trình phỏng vấn trực tiếp đối với các chuyên gia trong lĩnh vực thị trường tài chính, TTCK, để đảm bảo là phù hợp với nghiên cứu này.
Trong số bảng câu hỏi được gửi trực tiếp là 226 người, nhận được phản hồi đầy đủ là 221 người (tỷ lệ 97,78%). Trong đó, nhà đầu tư có tìm hiểu các công cụ phái sinh là 87% và phương tiện sử dụng để tìm hiểu về công cụ 100% là mạng internet. Số lượng đối tượng khảo sát có nhu cầu tự đào tạo, tham gia các khóa học về các công cụ phái sinh và TTCK phái sinh là 78%. Số còn lại 22% là chưa có nhu cầu.
Kết quả phân tích
Dữ liệu thu thập được phân tích bằng phần mềm SPSS 16. Đầu tiên là kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Anpha đối với các nhóm yếu tố đều lớn hơn 0,6. Tiếp theo là phân tích nhân tố cho các biến độc lập. Với kết quả trên, mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố sẽ được điều chỉnh còn 4 nhân tố mới và 4 nhân tố này sẽ được sử dụng để phân tích hồi quy đa biến.
Phân tích hồi quy tuyến tính bội về mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến hình thành và phát triển TTCK phái sinh (bảng 3) cho thấy giá trị Sig. <0,05. Hệ số xác định R2 điều chỉnh là 30,3% (bảng 2).
Như vậy, mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng là phù hợp với tập dữ liệu ở mức 30,3%, hay nói cách khác 30,3% việc hình thành và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam có sự tác động bởi 3 nhân tố pháp lý, kinh tế, công nghệ; 69,7% còn lại là do sự ảnh hưởng của các yếu tố khác.
Hệ số chấp nhận thấp và hệ số VIF đều nhỏ hơn 10, chứng tỏ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến và không có mối tương quan chặt chẽ với các biến độc lập. Riêng nhân tố thể chế bị loại khỏi mô hình vì có giá trị Sig, = 0,925.
Điều này cho phép kết luận của mô hình hồi quy là phù hợp với các dữ liệu và các biến đều có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%. Vậy mối tương quan hồi quy tuyến tính các nhân tố được biểu thị như sau: Hình thành và phát triển TTCK phái sinh = 1,386 +0,291 L + 0,205 E + 0,105 T
Trong đó, L: Chính sách pháp luật, E: Môi trường kinh tế, T: Công nghệ viễn thông.
Kết luận và gợi ý
Nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố đã ảnh hưởng đến hình thành và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam nhưng mức độ tác động của từng nhân tố là có sự khác nhau. Trong đó, nhân tố chính sách pháp lý có ảnh hưởng cao nhất với hệ số hồi quy là 0,291, kế đến là nhân tố kinh tế có hệ số hồi quy là 0,205, cuối cùng là nhân tố công nghệ có hệ số hồi quy là 0,105.
Tuy nhiên, nhân tố thể chế không có ý nghĩa thống kê trong mô hình nghiên cứu tại Việt Nam nhưng nhìn chung kết quả nghiên cứu vẫn là phù hợp với kết luận của nghiên cứu Nuruzzaman (2011), Njoroge (2003) về TTCK phái sinh.
Ngoài ra, theo bảng thống kê mô tả đối với biến phụ thuộc của yếu tố hình thành và phát triển TTCK phái sinh cho thấy, vấn đề mà nhà đầu tư Việt Nam sẽ chú ý và quan tâm khi họ tham gia thị trường: Phụ thuộc vào đánh giá, xếp hạng TTCK của các tổ chức có uy tín (mean= 3,34); hệ thống giám sát thị trường hiệu quả của các cơ quan chức năng (mean =3,30); thu nhập cao, chi phí thấp, tạo điều kiện chuyển giao RR (mean=3,15).
Nghĩa là, vấn đề niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK phái sinh chịu tác động nhiều từ TTCK hiện tại. Bên cạnh đó, một thị trường ảm đạm, vắng bóng người nhà đầu tư, thì sản phẩm và mục tiêu để thị trường tồn tại sẽ không đạt được.
Gợi ý chính sách
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết nêu lên một số gợi ý cho các nhà hoạch định thị trường, để TTCK phái sinh có thể được hình thànhvà phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển của đề án.
Chính sách pháp luật
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán phù hợp: Áp dụng các quy tắc kế toán IFRS (bao gồm IAS 39) - điều kiện tiên quyết và quan trọng để TTCK phái sinh phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, các quy định của cả TTCK và TTCK phái sinh phải tích hợp với nhau. Vấn đề thanh khoản và hiệu quả của TTCK cơ sở vẫn là nền tảng, tác động khá nhiều đến TTCK phái sinh.
Các quy định liên quan đến công bố thông tin: Sự thiếu thốn về thông tin ban đầu sẽ làm giảm mối quan tâm của nhà đầu tư đến việc dầu tư vào TTCK. Việc công bố các thông tin bất thường phải được hiểu và thực thi thống nhất. Các thông tin bất thường thường được công bố chậm hoặc không được công bố sẽ là điều kiện cho sự phát triển của tin đồn, của thông tin không chính thức, làm giảm tính minh bạch của thông tin trên thị trường.
Những vi phạm về công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính của công ty niêm yết cần phải xử lý nghiêm. Song song với những giải pháp trên, một số vấn đề liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin công bố trên TTCK Việt Nam cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ công bố thông tin trên thị trường như:
Có 3 nhân tố đã ảnh hưởng đến hình thành và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam nhưng mức độ tác động của từng nhân tố là có sự khác nhau. Trong đó, nhân tố chính sách pháp lý có ảnh hưởng cao nhất, kế đến là nhân tố kinh tế, cuối cùng là nhân tố công nghệ.
Các quy định liên quan đến công tác thanh tra, giám sát cần cụ thể, hài hoà phù hợp với điều kiện Việt Nam: Cần có tổ chức chịu trách nhiệm đánh giá và quản trị rủi ro tổng thể đối với hệ thống tài chính, từ đó có thể có quan sát tổng thể để thiết kế chính sách an toàn vĩ mô.
Bảo vệ nhà đầu tư: Công tác công bố thông tin đáng tin cậy, kiểm soát giao dịch của các bên liên quan, bảo vệ vốn của khách hàng và khả năng bảo tồn tài chính của các công ty cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch.
Cải thiện chỉ số độ sâu tài chính: Tăng cường các chính sách hỗ trợ tín dụng cho khu vực tư nhân, đẩy nhanh tiến độ vốn hoá TTCK, củng cố và phát triển TTCK cơ sở để TTCK thực hiện tốt chức năng kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, giúp cho cơ cấu tài chính đa dạng hơn, từ đó, hỗ trợ TTCK phái sinh phát triển.
Đổi mới tài chính – Thiết kế sản phẩm giao dịch phù hợp: Trong cơ chế quản lý cốt lõi của thị trường tài chính bao gồm: Những phạm vi, quy định của thị trường tài chính, cần điều chỉnh để có thể áp dụng cho tất cả các thị trường thuộc thị trường tài chính và các sản phẩm của thị trường này, mà không cần phải phân biệt giữa phái sinh và chứng khoán.
Cách tiếp cận này sẽ nâng cao sự tương hợp trên thị trường và tiến đến việc đơn giản hóa quy định và đầy đủ. Trước mắt, giao dịch chứng khoán phái sinh trên chỉ số chứng khoán, nhưng trong tương lai, cũng cần phải thiết kế các sản phẩm tài chính mới nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các chủ thể thị trường và giúp cho các chủ thể này đạt được mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn.
Môi trường kinh tế
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài: Theo quy định hiện hành, không hạn chế nhà đầu tư Việt Nam tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp, tuy nhiên lại hạn chế nhà đầu tư Việt Nam tham gia góp vốn vào các công ty đại chúng. Do vậy, phải loại bỏ sự phân biệt này nhằm đảm bảo thực hiện cam kết trong WTO và khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến chính sách thuế và chi phí giao dịch - nguyên nhân làm giảm đi khả năng cạnh tranh và gây ra sự di chuyển nguồn vốn đầu tư sang thị trường của quốc gia khác. Cần chú ý, khi xây dựng thuế suất và quy định về điều kiện vốn để giữ được các nhà đầu tư hiện tại và thu hút thêm nhà đầu tư khác, nhất là các nhà đầu tn Việt Nam.
Cải thiện khả năng thanh khoản trên TTCK: Cần thiết lập được một thị trường tài chính vững chắc để đưa ra các sản phẩm phái sinh mới, thực hiện chức năng phòng hộ rủi ro là chủ yếu, quan trọng là không tạo ra rủi ro đạo đức.
Chất lượng của quá trình định giá: Sự xuất hiện các quỹ đầu tư TTCK bước đầu cho thấy, chính sách khuyến khích nhà đầu tư tổ chức đã có tác dụng, tuy nhiên, việc định giá và phân phối chứng chỉ quỹ cần được giám sát chặt chẽ, bởi kênh phân phối quỹ đã được mở rộng ngoài phạm vi các công ty chứng khoán tới ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Tăng cường các chính sách hỗ trợ tín dụng cho khu vực tư nhân, đẩy nhanh tiến độ vốn hoá TTCK đúng thời hạn: Củng cố và phát triển TTCK cơ sở để TTCK thực hiện tốt chức năng kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, giúp cho cơ cấu tài chính đa dạng hơn.
Đây là vấn đề rất cần thiết hỗ trợ cho TTCK phái sinh phát triển. Chiều sâu thị trường, thanh khoản và khám phá giá cũng có thể được cải thiện bằng cách thực thi các quy trình bắt buộc, để thoả điều kiện được niêm yết trên thị trường đại chúng và xây dựng các cơ sở nhà đầu tư.
Cần có định hướng và cơ chế hình thành trung tâm tài chính để phục vụ các giao dịch trong nước và quốc tế: Ngoài cung cấp hàng loạt các sản phẩm tài chính, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và người đi vay vốn với giá cạnh tranh thì còn cung cấp các dịch vụ tài chính theo yêu cầu, bao gồm cả dịch vụ tư vấn, nghiên cứu, phát triển công nghệ dịch vụ tài chính, chính sách miễn giảm thuế, đẩy mạnh tiến độ tư nhân hoá, cổ phần hoá, nới lỏng các giao dịch tài chính.
Phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm: Trong điều kiện mức độ hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, các kênh cung cấp thông tin và đánh giá rủi ro còn ít hoặc chưa có, sự xuất hiện tổ chức định mức tín nhiệm sẽ giúp cung cấp thêm nhiều thông tin cho cộng đồng đầu tư. Chính bảng xếp hạng của tổ chức định mức tín nhiệm sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi tiếp cận với TTCK, tạo động lực thúc đẩy TTCK phái sinh vận hành ổn định.
Đào tạo, cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh: Để có thể giao dịch trên TTCK phái sinh, thì chỉ có nhà đầu tư được cấp chứng chỉ được tham giao dịch trên TTCK phái sinh. Điều này đang khiến nhà đầu tư e dè và không mấy hào hứng với TTCK phái sinh.
Qua khảo sát có thể thấy, các nhà đầu tư đều không hào hứng với các sản phẩm mới này, khi họ buộc phải tự đào tạo trong khi với số kiến thức sẵn có họ cũng không thể khai thác được trên TTCK. Kiến thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường này là vấn đề quan trọng, cho nên với kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của các nhà đầu tư, mạng lưới truyền thông của Việt Nam, hoặc là thông qua đài truyền hình, nếu thiết kế một kênh phát sóng liên tục, thì cũng có thể giúp các nhà đầu tư tiếp cận với kiến thức về TTCK phái sinh.
Môi trường công nghệ
Phát triển cơ sở hạ tầng và có thể thu hẹp, loại bỏ sự khác biệt về giá, tiến đến thị trường hoạt động hiệu quả là kết quả của sự lưu chuyển vốn dễ dàng giữa các TTCK phái sinh và TTCK. Ngoài ra, TTCK phái sinh cần có TTCK có mức thanh khoản cao và sâu. Cho nên, trong công tác tái cơ cấu TTCK, việc ưu tiên là tập trung đến các cơ quan quan trọng như trung tâm lưu ký và thanh toán bù trừ. Từ đó, triển khai phát triển TTCK phái sinh dễ dàng hơn.
Để gia tăng sự tự tin cho nhà đầu tư, sàn giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phải được trang bị hệ thống mạng trực tuyến với tốc độ đường truyền mạnh, để nhà đầu tư học hỏi, khám phá về tất cả các giao dịch thuộc về phái sinh tài chính và một hệ thống độc lập, tự động, giám sát tình hình thực tế của thị trường để phát hiện các hành vi tổn hại thị trường.
Ngay trong sàn giao dịch cũng cần có bộ phận tư vấn, bao gồm: các nhà toán học, nhà phân tích và chuyên gia tư vấn giao dịch phái sinh. Bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm đối với tất cả các quy định liên quan đến các kinh doanh, thanh toán bù trừ, quyết toán, kiểm soát các biên giới hạn và vấn đề hội đủ điều kiện thành viên.
Nhìn chung, nghiên cứu vẫn còn có điểm hạn chế như: Kết quả hồi quy với R2 hiệu chỉnh là 0,303, nghĩa là mô hình chỉ giải thích được 30,3% về sự hình thành và phát triển TTCK phái sinh là do các yếu tố môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, công nghệ viễn thông. Điều này cho thấy, vẫn còn có một số yếu tố khác tác động đến sự hình thành và phát triển TTCK phái sinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định “Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam”, số 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014;
2. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức;
3. Adelegan, O.J., (2009) , The Derivatives Market in South Africa: Lessons for sub-Saharan African Countries, IMF Working Paper;
4. Fama , 1991, Efficient capital markets: II,Journal of Finance46, 1575-1617;
5. Gertler,Mark L., 1988, Financial Structure and Aggregate Economic Activity: An Overview, NBER Working Paper No. 2559, Issued in April 1988;
6. Henderson, J. Vernon., 1986, Effeciency of resource usage and city size, Journal of Urban Economics 19:1,pp 47-70;
7. James. C. Van Horne , 1985, Of Financial Innovations and Excesses, The Journal of Finance, Volume 40, Issue 3, pp 621–631.