Dự cảm về tương lai thị trường của các sản phẩm phái sinh

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

20 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thiết lập được một thị trường chứng khoán cơ sở tương đối vững chắc, làm nền tảng đưa thị trường chứng khoán phát triển sang giai đoạn mới - giai đoạn của 20 năm tiếp theo với khởi điểm là kế hoạch triển khai thị trường chứng khoán phái sinh vào năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Sự ra đời thị trường chứng khoán phái sinh là nhu cầu tất yếu

Thị trường giao dịch các sản phẩm phái sinh trên thế giới đã phát triển từ nhiều thế kỷ trước và đến nay đã trở thành phân khúc lớn nhất của thị trường tài chính.

Vào năm 2010, tổng giá trị danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh chưa đáo hạn đã từng lớn hơn gấp 9 lần so với tổng quy mô của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu toàn cầu cộng lại, đạt 687,25 nghìn tỷ USD.

Với mục tiêu trước tiên là phòng vệ rủi ro, các sản phẩm phái sinh trở thành các công cụ quản trị rủi ro không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường mà các yếu tố kinh tế như tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa, giá chứng khoán... biến động không ngừng.

Trên khía cạnh đầu tư, với khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính cao khiến cho các sản phẩm phái sinh cũng trở nên thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng phù hợp, có tiềm lực tài chính và khả năng chịu được rủi ro.

Đối với Việt Nam, thị trường chứng khoán đã trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển với những mức độ tăng trưởng khác nhau. Cho đến nay, thị trường chứng khoán đã đạt được những thành tựu nhất định, đã phát triển được 3 công cụ đầu tư truyền thống là cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có các sản phẩm chính thống làm công cụ cho công tác quản trị rủi ro và công cụ có đòn bẩy tài chính cao.

Trên thực tế, từ năm 2010, một số tổ chức, cá nhân đã tự phát giao dịch các công cụ phái sinh như hợp đồng quyền chọn OTC dựa trên cổ phiếu, hợp đồng kỳ hạn lãi suất và tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại, hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, hợp đồng tương lai vàng trên thị trường quốc tế (còn được gọi là giao dịch trạng thái tài khoản vàng), sản phẩm hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều đặc điểm cơ bản của hợp đồng quyền chọn...

Điều này phản ánh nhu cầu khách quan của thị trường, nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro là có thực. Do đó, sự ra đời của chứng khoán phái sinh là một quá trình tất yếu trong tiến trình phát triển của thị trường chứng khoán nhằm đa dạng hóa sản phẩm, là giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường lên một tầm cao hơn.

Nắm bắt được xu hướng này, Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện ban đầu để xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, cụ thể:

Thị trường chứng khoán cơ sở, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đã có thời gian đủ dài hoạt động tương đối ổn định, đã có quy mô và tính thanh khoán phù hợp, có cơ chế và phương thức giao dịch cơ bản hiệu quả, có hệ thống chỉ số chứng khoán cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đã xây dựng được cơ sở pháp lý quan trọng cho chứng khoán phái sinh, Luật Chứng khoán đã quy định về khái niệm chứng khoán phái sinh. Trên cơ sở đó, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/1/2016 hướng dẫn Nghị định số 42/2015/NĐ-CP đã được ban hành tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý và vận hành thị trường phái sinh. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các quy chế liên quan cho vận hành thị trường chứng khoán phái sinh.

Hệ thống công nghệ giao dịch và bù trừ thanh toán cho chứng khoán phái sinh đang được hoàn thiện ở những khâu cuối cùng, đảm bảo sẵn sàng ứng dụng công nghệ hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt nhất trên thị trường phái sinh, đặc biệt là hệ thống đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh.

Đội ngũ nhân sự nghiên cứu và triển khai hệ thống thị trường chứng khoán phái sinh đã bước đầu hình thành tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Do đó, tín hiệu ra đời của thị trường phái sinh đã rất gần, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được chính thức vận hành theo đúng kế hoạch. 

Xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, xu hướng của thế giới

Đối với Việt Nam, lựa chọn xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh theo mô hình tập trung được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế.

Các thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính quốc tế. Năm 2015, theo thống kê của Liên đoàn các sở giao dịch chứng khoán thế giới (WFE- World Federation of Exchange), khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường tập trung tại các quốc gia này đã vượt qua khu vực châu Âu, vươn lên đứng vị trí thứ 2 chỉ sau khu vực Bắc Mỹ và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ (biểu đồ). Trong đó, về phái sinh chứng khoán, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á.

Dự cảm về tương lai thị trường của các sản phẩm phái sinh - Ảnh 1

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines đều lần lượt thành lập các sở giao dịch chứng khoán phái sinh và tập trung phát triển mạnh các sản phẩm phái sinh.

Do đó, đối với Việt Nam là một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, việc “đi tắt đón đầu” xu hướng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tập trung trong khu vực là một hướng đi đúng đắn. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có thị trường chứng khoán phái sinh tập trung để giúp nhà đầu tư phòng ngừa các rủi ro liên quan đến biến động giá chứng khoán.

Việc ra đời các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ tạo luồng gió mới cho thị trường, thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cần có công cụ quản trị rủi ro cho các danh mục đầu tư với quy mô lớn tại Việt Nam.

Sau khủng hoảng tài chính 2007-2009, các quốc gia có thị trường chứng khoán phái sinh phát triển cũng như đang phát triển đều có xu hướng ngày càng thắt chặt các giao dịch phái sinh trên thị trường OTC, khuyến khích giao dịch trên thị trường phái sinh tập trung để giảm thiểu rủi ro hệ thống. Điều này củng cố thêm định hướng, chủ trương xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tập trung tại Việt Nam là phù hợp và đúng đắn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” với quan điểm xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, hạn chế sự hình thành và hoạt động một cách tự phát của thị trường chứng khoán phái sinh tự do.

Thị trường chứng khoán phái sinh được tổ chức dưới hình thức là một đơn vị thuộc sở giao dịch chứng khoán. Xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là bước kế tiếp nhằm hoàn chỉnh cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển bền vững các thị trường chứng khoán cơ sở như thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn cho nền kinh tế. 

Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ phát triển đa dạng về sản phẩm

Sản phẩm phái sinh và thị trường phái sinh là một khái niệm rộng. Thực tế, tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đều xây dựng một thị trường phái sinh tổng thể trên cả ba công cụ cơ sở là chứng khoán, tiền tệ và hàng hóa. Xu hướng nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản là sáp nhập thị trường phái sinh hàng hóa, tiền tệ vào chứng khoán.

Tại Việt Nam, ba thị trường này lại đang được phát triển tương đối độc lập, đặt dưới sự quản lý bởi ba cơ quan chủ quản khác nhau: Thị trường hàng hóa và phái sinh hàng hóa do Bộ Công thương quản lý, thị trường tiền tệ và phái sinh tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước quản lý, thị trường chứng khoán và phái sinh chứng khoán do Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) quản lý.

Theo thông lệ quốc tế, việc hợp nhất các thị trường phái sinh về một mối thống nhất là cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng thể, gia tăng khả năng cạnh tranh của thị trường phái sinh nói riêng và thị trường tài chính nói chung trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo hiệu quả về quản lý và chi phí và đặc biệt quan trọng khi phải đối mặt và xử lý khủng hoảng tài chính.

Trước mắt, đối với các sản phẩm phái sinh dựa trên chứng khoán, Việt Nam sẽ triển khai hai sản phẩm chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.

Đây là hai sản phẩm phái sinh rất quan trọng: hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là một công cụ phái sinh lãi suất, nhà đầu tư có thể sử dụng để phòng vệ trước những biến động không lường trước được của lãi suất trên thị trường; hợp đồng tương lai chỉ số cố phiếu lại có thể giúp cho nhà đầu tư phòng vệ được rủi ro toàn thị trường biến động bất lợi đối với danh mục mà nhà đầu tư đang nắm giữ.

Các sản phẩm này rất phổ biến, được triển khai sớm và có nhiều kết quả rất khả quan tại thị trường chứng khoán phái sinh hầu hết các nước trên thế giới.

Về lâu dài, như Quyết định số 366/2014/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” cũng đã đặt ra mục tiêu sau năm 2020 là “tiến tới xây dựng một thị trường chứng khoán phái sinh thống nhất dựa trên các tài sản sản cơ sở theo thông lệ quốc tế” và “về dài hạn, các công cụ tài chính phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai tiền tệ và hàng hóa sẽ được tập trung giao dịch thống nhất trên sở giao dịch chứng khoán”.

Trên cơ sở đó, thị trường chứng khoán phái sinh trong tương lai được quản lý tập trung, phát triển đa dạng các sản phẩm giao dịch bao gồm các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn đối với cả chứng khoán, tiền tệ và hàng hóa.

Xa hơn nữa, bên cạnh một thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, sẽ tồn tại một thị trường phi tập trung (OTC) có quản lý. Thực tế cho thấy, một số loại sản phẩm phái sinh tiền tệ phù hợp với giao dịch trên thị trường OTC, một số sản phẩm khác lại phù hợp với giao dịch trên thị trường tập trung.

Các công cụ phái sinh lãi suất và ngoại hối được giao dịch nhiều nhất trên thị trường OTC. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thị trường phái sinh OTC có quy mô lớn hơn rất nhiều so với thị trường phái sinh tập trung, chiếm khoảng 87,4% tổng giá trị danh nghĩa thị trường phái sinh, tương đương với khoảng 610.000 tỷ USD.

Một thị trường chứng khoán phái sinh tập trung, đa dạng về sản phẩm giao dịch sẽ đem đến một cấu trúc hoàn chỉnh cho thị trường  phái sinh Việt Nam trong 20 năm tới.