Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tài chính toàn diện
Bài viết sử dụng cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính năm 2017 (Global Findex database 2017) của Ngân hàng Thế giới để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sở hữu tài khoản của các cá nhân ở nhóm các quốc gia có thu nhập cao (nhóm TNC) và thu nhập trung bình thấp (nhóm TBT). Kết quả nghiên cứu cho thấy, giới tính, tuổi, trình độ học vấn và thu nhập đều ảnh hưởng đến việc tiếp cận tài chính toàn diện ở hai nhóm quốc gia này. Trong đó, yếu tố trình độ học vấn và thu nhập có tác động mạnh mẽ nhất đến tiếp cận tài chính cá nhân.
Cơ sở lý thuyết các nghiên cứu
Tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp theo khả năng cho mọi cá nhân và tổ chức, đáp ứng các nhu cầu về giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm theo cách thức có trách nhiệm và bền vững để đảm bảo phù hợp với các nghiên cứu trước, bài viết sử dụng tỷ lệ sở hữu tài khoản như một thang đo chính của tài chính toàn diện và sử dụng mô hình hồi quy Logit để phân tích các nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng sở hữu tài khoản.
Demirgüc-Kunt and Klapper (2013) đánh giá tiếp cận tài chính cá nhân của 98 quốc gia đang phát triển bằng việc sử dụng Global Findex database 2017. Kết quả cho thấy, có một khoảng cách giới tính đáng kể tồn tại trong sở hữu tài khoản, tiết kiệm chính thức và tín dụng chính thức. Phụ nữ có nhiều rào cản hơn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức như hiểu biết về tài chính hạn chế, kinh nghiệm kinh doanh ít, khó khăn trong việc chứng minh tài sản thế chấp. Ngoài ra, kết quả cho thấy thu nhập là nhân tố chính ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính toàn diện. Các chi phí đi kèm với việc sở hữu tài khoản đã trở thành rào cản chủ yếu cho những cá nhân có thu nhập thấp. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, sẽ không sử dụng các dịch vụ tài chính bởi vì đối với họ các dịch vụ đó có mức giá đắt đỏ và họ không thể đáp ứng được.
Allen và ctg (2016) sử dụng Global Findex database 2012 để phân tích đặc điểm cá nhân và đặc điểm quốc gia ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính toàn diện cá nhân. Kết quả cho thấy, thu nhập và trình độ học vấn tác động lớn đến tiếp cận tài chính toàn diện. Xác suất sở hữu một tài khoản tại một tổ chức tài chính và khả năng tiết kiệm chính thức lớn hơn đối với những người có thu nhập cao hơn, có học thức hơn, người lớn tuổi hơn, người thành thị, có việc làm, kết hôn hoặc ly thân. Khả năng vay mượn chính thức tăng lên cho những người đàn ông lớn tuổi, có học thức, giàu có và đã kết hôn.
Dữ liệu và mô tả thống kê
Dữ liệu
Bài nghiên cứu sử dụng Global Findex database 2017 để phân tích. Dữ liệu này được thu thập thông qua các cuộc khảo sát của hơn 150.000 người trưởng thành trên 15 tuổi ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới về việc sở hữu tài khoản và sử dụng các loại hình dịch vụ tài chính như tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, thanh toán trên thiết bị di động. Phù hợp với các nghiên cứu trước, chúng tôi tập trung vào biến Tài_khoản như là một thang đo chính của tài chính toàn diện.
Về phía các biến độc lập, bài viết sử dụng các biến Giới_tính, Tuổi, TNN1, TNN2, TNN3, TNN4, TNN5, Cấp_1, Cấp_2, và Cấp_3, cụ thể:
Tài_khoản là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có 1 tài khoản tại các định chế tài chính và 0 nếu ngược lại.
Giới_tính là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát là nữ và 0 nếu là nam. Tuổi thể hiện số tuổi của người được khảo sát.
TNN1 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có mức thu nhập thuộc nhóm thấp nhất (ngũ phân vị đầu tiên) và 0 nếu ngược lại.
TNN2 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có mức thu nhập thuộc nhóm thấp thứ 2 (ngũ phân vị thứ 2) và 0 nếu ngược lại.
TNN3 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có mức thu nhập thuộc nhóm thấp thứ 3 (ngũ phân vị thứ 3) và 0 nếu ngược lại.
TNN4 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có mức thu nhập thuộc nhóm thấp thứ 4 (ngũ phân vị thứ 4) và 0 nếu ngược lại.
TNN5 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát có mức thu nhập thuộc nhóm cao nhất (ngũ phân vị thứ 5) và 0 nếu ngược lại.
Cấp_1 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát đã hoặc chưa tốt nghiệp một trưởng tiểu học (cấp 1) và 0 nếu ngược lại.
Cấp_2 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát đã tốt nghiệp một trường trung học cở sở (cấp 2) và 0 nếu ngược lại.
Cấp_3 là một biến giả, nhận giá trị là 1 nếu người được khảo sát đã tốt nghiệp một trường trung học phổ thông (cấp 3) hoặc cao hơn và 0 nếu ngược lại.
Thống kê mô tả
Từ Global Findex database 2017, nhóm tác giả sử dụng dữ liệu từ 2 nhóm, nhóm TNC và nhóm TBT, để cho thấy sự khác biệt trong tác động của các nhân tố tiềm năng đến tài chính toàn diện ở h2 nhóm quốc gia này. Tiếp theo, nhóm tác giả loại bỏ các quan sát không có đủ các biến được quan tâm. Vì vậy, mẫu nghiên cứu cuối cùng có 43.461 quan sát từ nhóm TNC và 45.952 quan sát từ nhóm TBT.
Bảng 1 cho thấy, tỷ lệ sở hữu tài khoản của người dân thuộc nhóm TNC là 93%, cao hơn rất nhiều so với nhóm TBT (43%). Về cơ cấu trình độ học vấn, tỷ lệ người có trình độ học vấn thấp (đã hoặc chưa tốt nghiệp cấp 1) ở quốc gia có TNC là thấp nhất (13%), ngược lại ở nhóm các quốc gia có thu nhập TBT, tỷ lệ người có trình độ học vấn cao (từ cấp 3 trở lên), chiếm tỷ trọng thấp nhất (10%). Chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu trình độ học vấn ở cả nhóm TNC, TBT là những người đã tốt nghiệp cấp 2, chiếm lần lượt 57% và 45%. Cơ cấu giới tính và thu nhập có sự phân hóa đều ở cả 2 nhóm quốc gia.
Kết quả nghiên cứu
Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tài chính toàn diện giữa các nhóm quốc gia, bài viết sử dụng mô hình logit:
Tài_khoản i = α + β × Xi + εi
Với Xi là tập hợp các biến độc lập, bao gồm Giới_tính, Tuổi, TNN1, TNN2, TNN3, TNN4, TNN5, Cấp_1, Cấp_2, và Cấp_3, i đại diện cho cá nhân được khảo sát. Vector thể hiện hệ số của các nhân tố, α là hằng số và ε là sai số của phương trình. Sai số chuẩn được phân nhóm ở mức độ quốc gia để kiểm soát phương sai thay đổi và tương quan chuỗi.
Bảng 2 trình bày kết quả của việc phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến tài chính toàn diện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giới tính, tuổi, thu nhập và trình độ học vấn đều có ảnh hưởng đến tài chính toàn diện với mức ý nghĩa thống kê 1%.
Kết quả phân tích cho thấy, các hệ số hồi quy của biến Giới_tính ở cột 1 và 2 là âm. Kết quả này thể hiện rằng, khả năng sở hữu tài khoản của nữ giới thấp hơn so với nam giới. Ví dụ, ở nhóm TNC, hệ số hồi quy của biến Giới_tính = -0.279, cho biết khả năng sở hữu tài khoản của nữ giới thấp hơn so với nam giới là 1.32 lần (e^0.279 =1.32), khi các biến khác không đổi. Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với nghiên cứu của Zins và Weill (2016), cho thấy tồn tại một rào cản đối với nữ giới trong việc tiếp cận tài chính toàn diện so với nam giới.
Tiếp theo, hệ số hồi quy của biến Tuổi có ý nghĩa thống kê ở mức độ 1%, thể hiện rằng mối quan hệ giữa việc sở hữu tài khoản và độ tuổi là phi tuyến. Cụ thể, khi độ tuổi tăng lên thì xác suất một cá nhân sở hữu một tài khoản ở các định chế tài chính cũng tăng theo, nhưng khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì xác suất này lại giảm xuống. Kết quả nghiên cứu này giống với nghiên cứu của Allen và ctg (2013) và Zins và Weill (2016).
Các biến giả thu nhập TNN1, TNN2, TNN3, TNN4 đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, nhận giá trị hệ số hồi quy âm và nhóm thu nhập thấp nhất có hệ số hồi quy âm cao nhất. Điều này cho thấy, thu nhập càng cao thì khả năng sở hữu tài khoản của các cá nhân càng tăng. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Demirgüç-Kunt và Klapper (2012), Allen và ctg (2013) và Zins và Weill (2016), theo đó thu nhập có ảnh hưởng đến việc sở hữu tài khoản chính thức. Các chi phí đi kèm với việc sở hữu tài khoản đã trở thành rào cản chủ yếu cho những cá nhân có thu nhập thấp. Điều này cũng giải thích tại sao nhóm thu nhập thấp khả năng sở hữu tài khoản thấp hơn.
Cuối cùng, trình độ học vấn có ảnh hưởng lớn nhất đến việc sở hữu tài khoản với giá trị hệ số hồi quy dương lớn ở cả biến Cấp_2 và Cấp_3. Trình độ học vấn càng cao thì khả năng sở hữu tài khoản của cá nhân sẽ càng cao. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Zins và Weill (2016), có thể được giải thích là do những người có trình độ học vấn thấp, kiến thức tài chính còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích của việc sử dụng dịch vụ tài chính chính thức và đó chính là rào cản lớn khiến họ không mở tài khoản giao dịch tại các định chế tài chính.
Kết luận
Dựa vào kết quả bài nghiên cứu có thể thấy giới tính, tuổi, thu nhập và trình độ học vấn đều có ảnh hưởng đến tài chính toàn diện cá nhân ở cả nhóm TNC và nhóm TBT. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trình độ học vấn và thu nhập có tác động mạnh mẽ đến rào cản tiếp cận tài chính cá nhân theo hướng những người có trình độ học vấn thấp và những người nghèo là nhóm người có khả năng sở hữu tài khoản thấp nhất.
Tài liệu tham khảo:
The World Bank (2018). The Little Data Book on Financial Inclusion 2018. The World Bank, Washington, DC;
Demirguc-Kunt, A., Klapper, L., Singer, D. (2013). Financial Inclusion and Legal Discrimination Against Women: Evidence From Developing Countries. Policy Research Working Paper 6416. The World Bank, Washington, DC;
Gortsos, C. (2016). Financial Inclusion: An Overview of Its Various Dimensions and the Initiatives to Enhance Its Current Level. ECEFIL Working Paper, 2016/15;
Sarma, M. (2015). Measuring fnancial inclusion. Economics Bulletin, 35(1), 604–611;
Allen, F., Demirguc-Kunt, A., Klapper, L., & Peria, M.S.M. (2016). The foundations of financial inclusion: understanding ownership and use of formal accounts. Policy Research Working Paper 6290. The World Bank, Washington, DC;
Zins, A., & Weill, L. (2016). The determinants of financial inclusion in Africa. Review of Development Finance, 6, 46-57.