Hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện
Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện, như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có gần một nửa dân số đang sở hữu tài khoản ngân hàng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các biện pháp thúc đẩy tài chính toàn diện của hệ thống tài chính đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, con số trên cũng đồng nghĩa khoảng 50% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức và có thể vẫn phải lựa chọn sử dụng các nguồn tài chính khác nhiều rủi ro hơn. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện, nhất là các hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận lợi hơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến các đối tượng của tài chính toàn diện. Cụ thể như: Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai từ năm 2010; Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện từ 2006 đến nay và đang triển khai cho giai đoạn năm 2016-2020; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011...
Đặc biệt, ngày 20/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định nêu rõ, phấn đấu đến cuối năm 2025, Việt Nam có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng...
Chính phủ đã triển khai một số sáng kiến để tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính, nhất là thông qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách cho những đối tượng mục tiêu và khu vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và cơ hội phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ, tăng cường cải thiện và đa dạng hóa các dịch vụ thông qua khuyến khích tài chính điện tử, giao dịch ngân hàng trên mạng Internet, và hoạt động tín dụng lưu động nhằm đảm bảo đưa các dịch vụ và sản phẩm tài chính đến với người dân ở phạm vi rộng lớn hơn, chi phí thấp hơn một cách nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.
Nhìn chung, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã được mở rộng, nhưng tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện còn khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới.
Nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy việc phát triển các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, thanh toán, hoạt động bảo lãnh, cung cấp dịch vụ tài chính… nhất là ứng dụng khoa học công nghệ đại như điện toán đám mây, thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn và mạng xã hội… để tiến tới dịch vụ tài chính toàn diện.
Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại. Để làm được điều đó, cần phải nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Trong đó, phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cùng những loại hình định chế đặc biệt khác (Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn); cần có chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo phát triển mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của hệ thống ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng đa dạng hóa các hình thức cho vay, các sản phẩm tín dụng…