Các nhân tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân hàng


Nghiên cứu này nhằm tìm ra các nhân tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng tới sự bền vững của ngân hàng bao gồm: Đa dạng hoá mô hình kinh doanh (đa dạng hoá thu nhập), quy mô ngân hàng, tỷ lệ cho vay và biên lãi ròng. Mô hình nghiên cứu đề xuất sẽ góp phần định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giới thiệu

Ngân hàng thương mại đóng vai trò là trung gian tài chính giúp các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện các giao dịch liên quan tới huy động vốn cũng như gửi tiền tiết kiệm (Heffernan, 2005). Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau ngày càng gay gắt (Nguyet et al., 2020). Các ngân hàng không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn phải cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế (Nguyen et al., 2020).

Bên cạnh những nguồn thu nhập từ lãi trong hoạt động truyền thống của ngân hàng, trong những năm gần đây các ngân hàng đang chuyển dịch và mở rộng thêm các loại hình kinh doanh mới. Các hình thức tăng thu nhập cho ngân hàng như dịch vụ, kinh doanh vàng hay ngoại tệ cũng đang bắt đầu gia tăng trong các ngân hàng. Những hoạt động này sẽ giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, nguồn thu nhập đa dạng hơn (Mergaerts, 2016; Trivedi, 2015).

Tại Việt Nam, hiện nay 49 ngân hàng trong nước và nước ngoài. Trong đó, có 27 ngân hàng TMCP trong nước niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Một số ngân hàng hoạt động không hiệu quả dẫn tới ngừng hoạt động hoặc phải mua bán sáp nhập (M&A) xảy ra một vài năm trước ở Việt Nam (Oceanbank, PG Bank hay Mekong bank…). Từ thực trạng trên, vấn đề nghiên cứu về tính bền vững của ngân hàng đã và đang trở lên cấp thiết.

Đã có nhiều nghiên cứu về tính bền vững của ngân hàng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Một số nghiên cứu chỉ ra sự bền vững của ngân hàng phụ thuộc vào yếu tố đa dạng hoá thu nhập thông qua các nguồn thu nhập từ lãi và ngoài lãi (Köhler, 2015; Mergaerts, 2016; Nguyen và cộng sự, 2021). Trong đó, một số ngân hàng bị rủi ro hơn khi tiến hành đa dạng hoá thu nhập (Köhler, 2015; Nguyen và cộng sự, 2021).

Một số nghiên cứu thì tập trung vào quy mô, hiệu quả, đòn bẩy trong ngân hàng có khả năng ảnh hưởng tới tình bền vững của ngân hàng (Albaity và cộng sự, 2019). Tại Việt Nam, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào kết quả kinh doanh trong các ngân hàng. Các nghiên cứu về tính về bền vững ngân hàng còn hạn chế. Nghiên cứu này thực hiện nhằm đánh giá tác động của các yếu tố ảnh hưởng tới tính bền vững các ngân hàng TMCP niêm yết ở Việt Nam.

Tổng quan các nghiên cứu

Tổng quan về tính bền vững ngân hàng

Theo Bankscope (2013) và Köhler (2015), tính bền vững của ngân hàng mô tả mức lợi nhuận và mức độ giao động của lợi nhuận. Đại diện cho tính bền vững của ngân hàng là Z-score. Điểm Z-score được tính bằng tổng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và CAR (hệ số an toàn vốn), chia cho mức độ giao động của ROA. Khi đó Z-score càng cao thì ngân hàng càng bền vững (Köhler, 2015).

Các nghiên cứu về tính bền vững trong các ngân hàng

Ghenimi và cộng sự (2017) nghiên cứu về rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản tới sự bền vững của các ngân hàng. Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng đối với sự ổn định của ngân hàng bằng cách sử dụng tập dữ liệu của 49 ngân hàng hoạt động tại các quốc gia MENA trong giai đoạn 2006 tới 2013.

Các tác giả nhận thấy, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản không có mối quan hệ đồng thời hoặc trễ thời gian có ý nghĩa kinh tế đối với nhau, bên cạnh đó, mỗi loại rủi ro đều có tác động đáng kể đến hoạt động ngân hàng. Các tác giả cũng ghi nhận rằng sự tương tác của 2 loại rủi ro có tác động đáng kể đến sự ổn định của ngân hàng. Do đó, kết quả ước tính cho thấy tầm quan trọng của rủi ro tín dụng và thanh khoản trong việc tìm hiểu sự ổn định của ngân hàng trong khu vực MENA.

Adusei (2015) nghiên cứu về quy mô ngân hàng, rủi ro tài trợ và sự ổn định của ngân hàng. Bài báo này thu thập dữ liệu từ ngành ngân hàng nông thôn ở Ghana. Kết quả cho thấy, việc tăng quy mô của ngân hàng nông thôn sẽ làm tăng tính ổn định của ngân hàng. Kết quả cũng cho thấy, rủi ro tài trợ tác động tích cực đến sự ổn định của ngân hàng.

Nguyễn và cộng sự (2012) nghiên cứu xem xét tác động của việc lựa chọn mô hình kinh doanh đối với sự ổn định của các ngân hàng ở các nước ASEAN. Sử dụng GMM và các phương pháp kinh tế lượng hiệu quả khác trên mẫu 99 ngân hàng thương mại cổ phần, các tác giả nhận thấy tác động tiêu cực và đáng kể của mô hình đa dạng hóa, trong đó các ngân hàng chuyển sang hoạt động phi lãi suất và thu phí. Các tác giả cũng nhận thấy rằng, các tác động khác nhau giữa 2 nhóm quốc gia.

Đối với Việt Nam, Indonesia và Philippines, sự đa dạng hóa kéo theo những tác động tiêu cực đến sự ổn định trong khi thể hiện những tác động tích cực đối với Thái Lan và Malaysia. Dựa trên những phát hiện này, các tác giả rút ra các hàm ý chính sách để phát triển bền vững hơn trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng ASEAN.

Hsieh và cộng sự (2013) xem xét tác động của đa dạng hóa ngân hàng đối với sự ổn định, sử dụng dữ liệu cấp ngân hàng cho 22 quốc gia châu Á trong giai đoạn 1995-2009. Nghiên cứu này dựa trên hai biện pháp để đa dạng hóa ngân hàng - đa dạng hóa tài sản và thu nhập - và sử dụng một loạt các biến số làm đại diện cho sự ổn định của ngân hàng. Nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật dữ liệu bảng điều khiển động và hiển thị các kết quả khác với Hoa Kỳ và châu Âu. Kết quả cho thấy: (i) Ở châu Á, sự đa dạng về tài sản không đủ để cải thiện sự ổn định của ngân hàng.

Tuy nhiên, sự ổn định của ngân hàng có thể được tăng cường thông qua chiến lược đa dạng thu nhập; (ii) Mức độ toàn cầu hóa cao hơn làm giảm sự ổn định của ngân hàng thông qua đa dạng thu nhập nhưng sự ổn định lại tăng lên thông qua đa dạng tài sản; (iii) Một quốc gia có trình độ quản trị công ty cao hơn sẽ tăng cường hơn nữa sự ổn định thông qua sự đa dạng. (iv) Một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn sẽ hỗ trợ đa dạng tài sản để các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận cao hơn đi kèm với rủi ro thấp hơn.

Các nhân tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân hàng

Đa dạng hoá mô hình kinh doanh và tính bền vững của ngân hàng.

Đa dạng hoá thu nhập (NNI và NNII) là việc các ngân hàng thực hiện nhiều hình thức kinh doanh để đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Đa dạng hoá thu nhập được đại diện qua 2 yếu tố là thu nhập từ lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay và tiền gửi là một nguồn thu nhập chính của các ngân hàng và do đó được cho là sẽ tạo ra những tác động tích cực đến sự ổn định của các ngân hàng (Köhler, 2015),=.

Ngoài ra, thu nhập ròng ngoài lãi và hoạt động kinh doanh là các khoản ủy thác cho các nguồn thu nhập phi truyền thống và dựa trên phí. Thu nhập ngoài lãi có thể nâng cao tính bền vững của ngân hàng đối với các ngân hàng định hướng thương mại (Köhler, 2015). Các ngân hàng sẽ ổn định và có lãi hơn đáng kể nếu họ tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, có nghĩa là lợi ích đáng kể sẽ đạt được từ việc đa dạng hóa thu nhập. Những lợi ích này đặc biệt lớn đối với các ngân hàng tiết kiệm và hợp tác (Köhler, 2015).

Quy mô ngân hàng và tính bền vững của ngân hàng

Quy mô ngân hàng (SIZE) được đại diện qua tổng tài sản của các ngân hàng. Ngân hàng tăng quy mô nhằm mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu từ hoạt động ngân hàng (Adusei, 2015). Các chi nhánh được mở thêm hoặc dịch vụ phát triển thêm làm các nguồn thu trong ngân hàng sẽ gia tăng và làm tăng tính bền vững trong ngân hàng (Köhler, 2015).

Cho vay khách hàng và tính bền vững của ngân hàng

Cho vay khách hàng (LOANS) thể hiện lượng tiền của ngân hàng mang đi cho khách hàng vay. Chỉ tiêu này được tính cho các khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay càng lớn thì mức thu nhập từ lãi có khả năng sẽ càng cao nếu không xảy ra tình trạng nợ xấu cao (Köhler, 2015). Tuy nhiên, việc cho vay ồ ạt quá mức nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới tình trạng nợ xấu cao và làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng như tính bền vững của ngân hàng. Mặc dù thế, các ngân hàng luôn muốn đẩy mạnh hoạt động cho vay vì đâu là nguồn thu nhập chính của ngân hàng (Köhler, 2015; Mergaerts, 2016; Nguyen và cộng sự, 2021).

Biên lãi ròng và tính bền vững của ngân hàng

Biên lãi ròng (NIM) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập tiền lãi phát sinh bởi tài sản sinh lời của ngân hàng (khoản vay và đầu tư) và các khoản chi phí chính - tiền lãi trả cho người gửi tiền - Hiệu số ròng giữa tiền lãi kiếm được và tiền lãi trả cho khách hàng là một số đo chính về khả năng sinh lợi của ngân hàng. Do đó, khi NIM càng lớn thì tính bền vững sẽ càng cao (Köhler, 2015). Việc NIM càng lớn cho thấy, khả năng sử dụng vốn huy động càng hiệu quả trong các ngân hàng (Adusei, 2015). Hay nói cách khác hoạt động kinh doanh của ngân hàng dựa trên lãi đang hiệu quả và giúp các hoạt động ngân hàng trở lên bền vững hơn.

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Từ cơ sở lý luận và các nghiên cứu trước, nghiên cứu đưa ra mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân hàng như sau:

Bền vững ngân hàngit=αi+β1*Đa dạng hoáit+β2*Quy môit+β3*Cho vayit+β4*Biên lãi ròngit+εit

Các giả thuyết nghiên cứu được phát biểu lần lượt như sau:

H1: Đa dạng hoá mô hình kinh doanh có tác động cùng chiều lên tính bền vững của ngân hàng

H2: Quy mô có tác động cùng chiều lên tính bền vững của ngân hàng

H3: Cho vay khách hàng có tác động cùng chiều lên tính bền vũng của ngân hàng.

H4: Biên lãi ròng có tác động cùng chiều lên tính bền vững của ngâ hàng

Từ các nghiên cứu trước đây, đề tài đưa ra mô hình nghiên cứu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân hàng TMCP ở Việt Nam. Các yếu tố bao gồm: Đa dạng hoá mô hình kinh doanh, quy mô ngân hàng, cho vay khách hàng và lãi biên ròng. Từ mô hình và các giả thuyết nghiên cứu này cho thấy dựa trên các yếu tố này có thể xác định được các ngân hàng sẽ trở lên bền vững hơn nhờ yếu tố nào. Đồng thời, các nghiên cứu trong tương lai có thể áp dụng mô hình và thu thập dữ liệu để kiểm chứng các mối quan hệ này trong mô hình.

Tài liệu tham khảo:

  1. Adusei, M. (2015), The impact of bank size and funding risk on bank stability. Cogent Economics & Finance, 3(1), 1111489;
  2. Albaity, M., Mallek, R. S., & Noman, A. H. M. (2019). Competition and bank stability in the MENA region: The moderating effect of Islamic versus conventional banks. Emerging Markets Review, 38, 310-325;
  3. Ghenimi, A., Chaibi, H., & Omri, M. A. B. (2017). The effects of liquidity risk and credit risk on bank stability: Evidence from the MENA region. Borsa Istanbul Review, 17(4), 238-248;
  4. Heffernan, S. (2005). Modern banking. John Wiley & Sons;
  5. Hsieh, M. F., Chen, P. F., Lee, C. C., & Yang, S. J. (2013). How does diversification impact bank stability? The role of globalization, regulations, and governance environments. Asia‐Pacific Journal of Financial Studies, 42(5), 813-844;
  6. Köhler, M. (2015). Which banks are more risky? The impact of business models on bank stability. Journal of Financial Stability, 16, 195-212.
  7. Mahdaleta, E., Muda, I., & Nasir, G. M. (2016). Effects of capital structure and profitability on corporate value with company size as the moderating variable of manufacturing companies listed on Indonesia Stock Exchange. Academic Journal of Economic Studies, 2(3), 30-43;
  8. Nguyen, D. N., Nguyen, D. D., & Nguyen, D. V. (2020). Distribution information safety and factors affecting the intention to use digital banking in Vietnam. Journal of Distribution Science, 18(6), 83-91;
  9. Mergaerts, F., & Vander Vennet, R. (2016). Business models and bank performance: A long-term perspective. Journal of Financial Stability, 22, 57-75.

* Đỗ Kim Dư - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022