CASA của ngân hàng đã chạm tới giới hạn tăng trưởng?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Tốc độ tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) một cách nhanh chóng đã và đang là một động lực tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với tỷ lệ đang có xu hướng giảm trong quý II, phải chăng CASA của hệ thống ngân hàng đã chạm tới giới hạn tăng trưởng?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

CASA ngày càng khó hút, ngân hàng mở rộng 'vùng vốn rẻ'Ngân hàng đua ‘khoe’ CASALợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan bất chấp giá vốn tăng và NIM thu hẹp

Với lợi thế chi phí vốn thấp, lãi suất gần như bằng 0%, tiền gửi thanh toán hay tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn, được các ngân hàng cạnh tranh quyết liệt trong thời gian qua.

CASA suy giảm ở hầu hết các ngân hàng

Để thu hút CASA, nhiều ngân hàng đã đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gia tăng các sản phẩm, tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.

Đặc biệt, cạnh tranh về chính sách miễn các loại phí giao dịch trên kênh số không còn dừng lại ở nhóm ngân hàng tư nhân nữa mà 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank cũng chính thức vào cuộc từ cuối năm ngoái, đầu năm nay.

Kết quả là nhìn chung, tỷ lệ CASA của toàn hệ thống đã có sự cải thiện tích cực trong vài năm qua, đặc biệt ở những ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ như Techcombank, MB, VPBank, TPBank…

Tuy nhiên, những con số trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay tại các nhà băng cho thấy diễn biến không mấy khả quan liên quan đến chỉ số này. Điển hình như Techcombank, dù luôn dẫn dầu hệ thống về tỷ lệ CASA, nhưng đã ghi nhận sự sụt giảm từ mức 50,5% cuối quý I/2022 xuống chỉ còn 47,5% vào cuối quý II/2022.

Theo sau Techcombank là MB, nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này cũng sụt giảm nhẹ từ 45% trong quý I xuống còn 44,3%.

Một trong những cái tên không thể không nhắc đến trong top 3 bảng xếp hạng CASA là MSB. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA của ngân hàng này sau khi tăng mạnh từ 35,8% lên 38,3% trong quý I thì đến cuối quý II lại giảm xuống còn 36,7%.

Đáng lưu ý, không chỉ tỷ lệ CASA sụt giảm ở nhiều ngân hàng lớn, khảo sát còn cho thấy có sự phân hóa lớn trong tỷ lệ CASA của các ngân hàng thương mại. Có tới 14/27 nhà băng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA chưa tới 5,6% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. Tỷ lệ này lại VietCapitalBank và BacABank lần lượt đạt 5,57% và 6%.

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn bao gồm VietABank (6,2%), LienVietPostBank (7,7%), SHB (8,2%)…

Có tới 14/27 nhà băng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%.
Có tới 14/27 nhà băng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%.

 

Tỷ lệ CASA chỉ giảm tạm thời?

Lý giải cho sự sụt giảm tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng, các chuyên gia cho rằng với những lợi ích đang có được nhờ thu hút lượng CASA lớn, trong những năm gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt của các nhà băng trong việc giành nguồn vốn quan trọng này. Vì vậy, sẽ có lượng lớn khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng khác.

Chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu từng đưa ra cảnh báo, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng thì tự khắc họ sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn, hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác, và CASA sẽ sụt giảm.

Trong khi đó, giới phân tích tài chính nhận định, CASA của ngân hàng sẽ khó giữ "phong độ" như trước. Khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... không mấy sáng sủa, thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội "lướt sóng" như trước, nhiều người lựa chọn tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhằm gia tăng lợi nhuận, nhất là khi lãi suất tiền gửi tăng.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể tiếp tục gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc CASA ngân hàng giảm chỉ là tạm thời, với tỷ lệ toàn hệ thống vào khoảng 20%, dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn.