Các nước EU đặt mục tiêu chung về sử dụng năng lượng tái tạo
Trước yêu cầu của Nghị viện châu Âu (EP) về việc tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030. Theo đó, EU đặt mục tiêu nâng mức sử dụng năng lượng tái tạo tại tất cả quốc gia thành viên lên ít nhất 27% vào năm 2030, tăng 7% so với mục tiêu của năm 2020.
Trong cuộc họp ngày 18/12 tại Brussels, bộ trưởng năng lượng và môi trường của các nước EU cũng đã đề ra biện pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu nêu trên, đó là tích cực đưa vào sử dụng các loại phương tiện giao thông vận hành bằng năng lượng tái tạo hay công bố mức sử dụng nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên, vốn bị chỉ trích gây ra cạnh tranh trong việc sử dụng đất nông nghiệp phục vụ ngành thực phẩm.
Ngoài ra, bộ trưởng các nước cũng đã thống nhất về việc đưa ra các quy định cho thị trường điện trong nước như lắp đặt các công tơ điện có độ chính xác cao cho người tiêu dùng và cho phép các nhà khai thác lưới điện vận hành các cơ sở lưu trữ năng lượng.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, EP đã kêu gọi các nước thành viên EU nâng mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo lên mức 35%. Với mục tiêu đề ra nêu trên, Hội đồng châu Âu (EC) và EP sẽ cần tiến hành các cuộc thương lượng để soạn thảo văn kiện sau cùng có sự ràng buộc về pháp lý trong các cuộc họp diễn ra vào năm tới.
Các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo của EU là một phần trong gói đề xuất nhằm thực hiện các mục tiêu của EU về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, mục tiêu của các nước EU là đến năm 2030 giảm phát khí thải ít nhất 40%, dưới mức năm 1990.