Các nước mới nổi đối mặt với khó khăn
Giới đầu tư nước ngoài đang rút vốn ra các thị trường mới nổi. Động thái này diễn ra giữa lúc triển vọng kinh tế các nước này đang xấu đi và Mỹ có khả năng tăng lãi suất.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 15/9/2015 đã công bố một báo cáo, trong đó nhận định rằng năm 2015 có thể là năm các nền kinh tế mới nổi có tình hình kinh tế ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008.
Báo cáo của WB chỉ rõ nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có thể sẽ gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với rủi ro là một lượng lớn tiền vốn chảy ra nước ngoài.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi trong năm 2015 có thể sẽ giảm còn 548 tỷ USD, thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2008 và 2009 - cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, dòng vốn rút ra khỏi các thị trường này cũng đạt con số tương đương khoảng 500 tỷ USD.
Nguyên nhân của sự sụt giảm dòng vốn đầu tư này được cho là do các nhà đầu tư đã không còn mặn mà với sự tăng trưởng nóng lên tới hai con số của thị trường các nước mới nổi, đặc biệt là từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh đó, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng Nhân dân tệ, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi sẽ còn giảm mạnh.
Theo số liệu của Bloomberg, khoảng 141,66 tỷ USD đã rút khỏi Trung Quốc trong tháng 8/2015, vượt kỷ lục 124,64 tỷ USD trong tháng 7/2015.
Xu hướng rút vốn tăng mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 11/8/2015 bất ngờ phá giá kỷ lục nhân dân tệ, khiến giá hàng hóa, chứng khoán và đồng tiền thị trường mới nôi lao dốc theo.
Huang Yiping, giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh và đang là cố vấn tại PBOC cho biết: “Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh sức ép suy giảm kinh tế lớn, khi Trung Quốc mở tài khoản vốn, dòng vốn rút khỏi Trung Quốc sẽ ngày một mạnh hơn. Nếu dòng vốn tiếp tục tháo chạy trong thời gian tới, áp lực giảm giá nhân dân tệ sẽ tăng”.
Trước thực tế trên, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường kiểm soát nguồn vốn. Ủy ban Ngoại hối Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng trong nước tiến hành giám sát đặc biệt mọi giao dịch ngoại hối.
Giới đầu tư Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa tài sản đầu tư ở nước ngoài sau khi chứng khoán trong nước tuột dốc hơn 40% trong quý III/2015. Tuy nhiên, xu hướng này cũng không chỉ diễn ra ở mỗi Trung Quốc. Giới đầu tư nước ngoài cũng đang rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á với tốc độ nhanh kỷ lục.
Theo Bloomberg, riêng trong trong quý III/2015, các quỹ nước ngoài đã bán ròng 5,1 tỷ USD cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Philippines, khi chỉ số chứng khoán Đông Nam Á (MSCI Southeast Asia Index) giảm 20% trong quý này.
Tại Indonesia, nơi có mức tháo vốn lớn nhất trong hai năm qua và tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, chỉ số Jakarta Composite Index đã giảm 14% trong quý 3/2015, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008, trong khi đồng nội tệ mất 9% xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Nguồn vốn nước ngoài rút khỏi thị trường Thái Lan trong quý III/2015 lên tới 2,6 tỷ USD, khi chỉ số SET Index sụt 10% và đồng baht giảm 6,9%.
Còn tại Philippines, giới đầu tư quốc tế đã rút 1,3 tỷ USD trong quý III/2015, giữa lúc chỉ số Philippine Stock Exchange Index giảm tháng thứ sáu liên tiếp và đồng peso mất 3,5% giá trị.
Theo WB, các nước đang phát triển nên chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình hình có thể còn xấu hơn trên thị trường tài chính quốc tế.