Các quy định về tiền mã hóa - Góc nhìn quốc tế
Tiền tệ mã hóa hay tiền mã hóa (TMH) (cryptocurrency hay crypto currency) là một tài sản kỹ thuật số (KTS) được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi, sử dụng mật mã để bảo mật các giao dịch, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Một tính năng xác định khác tạo sức hấp dẫn của TMH là không được phát hành bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào. Do sử dụng các giao thức mật mã phức tạp (phân quyền và mã hóa hoàn toàn) nên TMH không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp hoặc điều chỉnh bởi Chính phủ, ngân hàng trung ương (NHTW) hay các bên thứ ba. Với những lý do trên, bài viết này hướng tới các khía cạnh khác nhau của TMH, thách thức và rủi ro, cơ hội cũng như triển vọng tương lai của TMH. Kinh nghiệm quốc tế ban hành Quy định điều chỉnh các hoạt động TMH nhằm đảm bảo nền kinh tế ổn định và phát triển.
Tiền mã hóa và các vấn đề liên quan
TMH là một loại tiền KTS với sự mã hóa đầu tiên được tạo ra là Bitcoin (ký hiệu BTC) vào năm 2008 và chính thức được lưu hành năm 2009.
Và đến nay, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có khoảng 1.500 loại TMH ra đời bởi các doanh nghiệp, tập đoàn, hệ thống ngân hàng trên thế giới. Ước tính tổng vốn hóa thị trường của tất cả các loại tiền điện tử khoảng 12 tỷ USD (tháng 01/2018), tăng hơn 4.000% kể từ tháng 01/2017.
Bitcoin, đồng TMH lớn nhất, hiện tại chiếm giữ một phần nhỏ của hệ thống tài chính toàn cầu. Trong vòng 12 tháng kể từ tháng 01/2017, Bitcoin đã tăng hơn 1.200%.
Trên thế giới, TMH một thời từng chịu nhiều gièm pha, bị giới đầu tư coi là quá rủi ro hoặc thậm chí là lừa đảo - nay đã tiến vào thị trường kinh tế chính thống và trở thành một ngành đầu tư nghiêm túc cho giới thương nhân dày dạn kinh nghiệm. Từ đây, tiền ngày càng trở nên số hóa và biến động.
Đồng thời, hiện tượng này cũng gây ra nhiều tranh cãi về hình thức quản lý và dịch chuyển tiền tệ trên thế giới. Trong khi hầu hết các ngân hàng chấp nhận đồng tiền số (thanh toán điện tử bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng đã rất quen thuộc), thì vẫn có những lo ngại về an ninh mạng và mức độ tin tưởng vào giới ngân hàng của xã hội trước nỗi sợ về tiềm năng suy thoái kinh tế.
TMH phát triển nhất khi ứng dụng công nghệ blockchain, tiền được tạo ra mà không cần NHTW và thanh toán không phải thông qua các tổ chức trung gian tài chính.
Những lợi ích chính của việc sử dụng TMH, đó là dễ dàng giao dịch chuyển nhượng với các bên liên quan với chi phí tối thiểu, cho phép người dùng tránh được các khoản phí trực tuyến ở mức cao hơn.
Một số người dự đoán rằng TMH sẽ thay thế hoàn toàn loại tiền truyền thống từ các ngân hàng, hoặc ít nhất cả hai dòng tiền này sẽ tồn tại song song.
Có nhiều quan điểm khác nhau về tương lai của TMH, các nhà kinh tế và các học giả nghiên cứu về lĩnh vực này không nhiệt tình về việc sử dụng TMH trong hệ thống thanh toán và giao dịch tài chính.
Tuy nhiên, từ quan điểm thị trường vốn cổ phần, không nên quá chú trọng đến bitcoin hay bất kỳ loại TMH nào khác mà chủ yếu quan tâm đến công nghệ blockchain - tức là tác động của sự bùng nổ mã hóa và những khó khăn sẽ phải đối mặt.
Các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động của TMH trên thế giới
Có thể nói, cho tới nay, thị trường TMH hoạt động phân tán, nhiều biến động, và chưa được quản lý như trước đây đòi hỏi phải có một thời gian dài nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý phù hợp không chỉ với mỗi quốc gia mà còn có sự tương thích với khu vực và thế giới.
TMH và công nghệ blockchain đã đặt ra một loạt các thách thức cho công tác xây dựng chính sách, bao gồm: (a) Các quy định giám sát tài chính, bảo vệ người tiêu dùng và quản lý thuế trong khi đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới; (b) Kiểm soát, đối phó với khối lượng lớn lệnh được sử dụng để khai thác TMH; đồng thời (c) Xác định liệu Chính phủ/ NHTW có thể sử dụng công nghệ blockchain để cải thiện dịch vụ và khả năng kiểm soát hoạt động lạm dụng, phối hợp với quốc tế là biện pháp hữu hiệu nhất trong quản lý hoạt động TMH để tuân thủ các cam kết chương trình phòng chống rửa tiền, luật bảo vệ người tiêu dùng và giám sát tài chính…
Quy định ICO
Do số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng tăng, trong không gian blockchain và hơn thế nữa sự đòi hỏi phương pháp tạo vốn mới thay thế vốn mạo hiểm truyền thống thì ICO trở thành sự lựa chọn đầu tiên, mang lại lợi ích cốt lõi hấp dẫn không chỉ đối với các công ty khởi nghiệp mà cả doanh nghiệp cũ do tính thanh khoản và hiệu quả hình thành vốn cao trong khi chi phí giao dịch được giảm thiểu.
Lợi thế so sánh của ICO so với các phương thức truyền thống khác trên các khía cạnh: hiệu quả chi phí giúp bù đắp các biến động kinh tế khó lường của thị trường; Không phải hy sinh vốn chủ sở hữu để tài trợ mà có thể sử dụng số tiền thu được của ICO dành riêng cho phát triển sản phẩm, tạo cơ chế đa dạng nhà đầu tư và tính không đồng nhất của các nhà tài trợ.
Năm 2017, ICO đã bùng nổ mạnh mẽ, ước tính tăng hơn 6 tỷ USD với khoảng 891 ICO. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đang cảnh báo cần phải kiểm soát các ICO và thúc đẩy tiến trình nghiên cứu và giới thiệu các quy định tạm thời, đưa ra cảnh báo hoặc ban hành Luật điều chỉnh hoạt động này.
Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức ban hành lệnh cấm ICO trên lãnh thổ của họ. Ngược lại, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada và các nước tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (U.A.E) ban hành một số quyết định chính thức cho phép ICO, với điều kiện ICO phải chịu sự điều chỉnh của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Các mã thông báo được phát hành có thể được điều chỉnh bởi luật hiện hành, chẳng hạn quy tắc điều chỉnh can thiệp giao dịch, tăng cường kiểm soát doanh số bán.
Tại Mỹ, việc giám sát ICO được thực hiện bởi một số cơ quan liên bang của Mỹ bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này bao gồm: cơ quan thuế (IRS), tổ chức phòng chống rửa tiền (Văn phòng tội phạm tài chính - FinCEN), Cơ quan quản lý chứng khoán (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hợp đồng Tương lai Hàng hóa (CFTC).
Cho phép một số mã cụ thể trong ICO được coi là chứng khoán và được điều chỉnh theo Luật liên quan.
Tức là ICO phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nếu ICO được bán hoặc giao dịch như một mã chứng khoán. Các tổ chức phát hành ICO cũng phải tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Cụ thể: tháng 7/2017, SEC công bố hướng dẫn các nhà đầu tư/ nhà đóng góp ICO, giải thích về công nghệ Blockchain, token, TMH và ban hành hướng dẫn về đánh giá đầu tư ICO và quyền của nhà đầu tư ICO theo Luật liên bang hiện hành; Tháng 10/2017, CFTC đã xuất bản ấn phẩm về TMH, nhắc nhở công chúng đầu tư TMH đã thừa nhận là hàng hóa từ năm 2015.
Đồng thời cũng thông báo CFTC sẽ siết chặt hơn nữa nhiệm vụ thực thi pháp luật của mình. Gần đây nhất, theo một thông cáo báo chí của CFTC được công bố, CFTC vừa ban hành bản tuyên bố tư vấn cho việc niêm yết các sản phẩm phái sinh TMH vào ngày 21/5/2018.
Trong năm 2017, Singapore - Cơ quan tiền tệ (MAS) đã ban hành hướng dẫn về TMH và ICO. Hướng dẫn này quy định TMH là “sản phẩm thị trường vốn” theo Luật Chứng khoán và Hợp đồng tương lai, điển hình: (i) Tháng 8/2017 là một thời điểm nóng đối với thị trường ICO, Singapore (MAS) là một trong những chính phủ đầu tiên đưa ra giải thích trực tiếp về TMH. Cụ thể, MAS đã làm rõ quan điểm của mình như sau: “Vị trí của MAS không quy định về tiền ảo cũng tương tự như hầu hết các phạm vi quyền hạn.
Tuy nhiên, MAS đã quan sát thấy rằng chức năng của Token số đã phát triển vượt ra ngoài phạm vi của một đồng tiền ảo. Ví dụ: Token số có thể đại diện cho quyền sở hữu hoặc lợi ích bảo mật đối với tài sản hoặc quyền sở hữu của người phát hành. Các Token này có thể được coi là chào bán cổ phiếu hoặc các đơn vị trong một đề án đầu tư tập thể dưới hình thức SFA (chương trình hỗ trợ bán hàng).
Token số cũng có thể biểu thị khoản nợ của một công ty phát hành và được coi là một trái phiếu theo hình thức SFA”. Điều này cho phép các Token tiện ích đang hoạt động được phát hành lần đầu nằm trong ranh giới đã được thiết lập sau tuyên bố này.
Đối với việc MAS trở thành tiếng nói cần thiết duy nhất, đã có một phản ứng ngay lập tức từ khu vực nhà nước đến sự đổi mới của khu vực tư nhân; Tháng 11/2017, MAS đã xuất bản hướng dẫn về cách tiến hành ICO và thực hiện phân tích 6 trường hợp mẫu, đồng thời nhấn mạnh rằng các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp và họ cũng không có ý định điều chỉnh hay cấm loại tiền này cũng như ICO mà chỉ đưa ra khung pháp lý cho một số hoạt động liên quan.
Nhật Bản, tùy theo cấu trúc được sử dụng, ICO có thể được Cơ quan dịch vụ tài chính quy định tại các Luật Dịch vụ thanh toán, Luật tài chính và trao đổi tài chính. Nhật Bản đã ban hành Luật TMH và công nhận đây là phương thức thanh toán hợp pháp và yêu cầu các giao dịch TMH phải được cơ quan quản lý cấp phép.
Philippines, Hồng Kông cho phép ICO nhưng phải tuân thủ các quy định đăng ký chứng khoán với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.
Quy định TMH
Tương tự như quy định đối với ICO, TMH mà điển hình là Bitcoin sẽ phải đưa vào diện quản lý, giám sát giao dịch. Sự bùng nổ Bitcoin cùng với khung quy định ICO và tiếp nối là các loại TMH khác khó có thể dự đoán được các quy định này có thực sự mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế nói chung hay hệ thống tài chính nói riêng hay không. Cần lưu ý rằng, hệ thống blockchain rất có thể bị cản trở bởi các quy định của Chính phủ.
Cho đến nay, các giao dịch Bitcoin và các loại TMH khác vẫn bị cấm tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Bolivia, Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh, Iceland, Kyrgyzstan, Morocco, Nepal, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Đi cùng với lệnh cấm ICO, Trung Quốc đã ra lệnh đóng băng các tài khoản ngân hàng liên quan đến trao đổi, kích hoạt bitcoin miner nơi bị cấm các giao dịch trên sàn giao dịch điện tử nội địa, thiết lập lệnh cấm truy cập mạng và di động trên toàn quốc đối với tất cả các loại hình liên quan đến giao dịch TMH.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư bitcoin và các loại TMH phải báo cáo lợi nhuận cho Cơ quan thuế (Internal Revenue Service-IRS) và nộp thuế theo thông báo 2014-21. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Trading Commission - CFTC) cho phép thực hiện công khai giao dịch phái sinh TMH.
Phát biểu ngày 12/1/2018, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tại Câu lạc bộ kinh tế (Washington D.C) đã thông báo rằng Bộ đang xem xét khả năng TMH có thể được sử dụng trong các hoạt động rửa tiền, do vậy Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (Financial Stability Oversight Council - FSOC) đã thành lập một nhóm nghiên cứu thị trường TMH và phối hợp với G20 để ngăn chặn Bitcoin và các đồng TMH khác trở thành một tài khoản ngân hàng tương đương với “tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ), đảm bảo rằng TMH không được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp.
Ngày 4/12/2017, cơ quan quản lý tài chính của Anh và EU tuyên bố thông qua Luật TMH và có hiệu lực vào cuối năm 2018, theo đó các nhà đầu tư sẽ phải khai báo thông tin cá nhân cho chính quyền, trong trường hợp cần thiết, cơ quan tài chính có quyền truy cập để ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Việc tạo lập hành lang pháp lý được cho là sẽ giúp TMH được quản lý trong khuôn khổ quy định, chống nạn rửa tiền và khủng bố. EU cho rằng chủ trương này cũng giúp nhận diện danh tính các nhà đầu tư, khiến việc sử dụng và trao đổi bất hợp pháp các đồng Bitcoin, Ethereum, cũng như các đồng TMH khác trở nên khó khăn hơn.
Nhật Bản - Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) vừa mới ban hành thêm các quy định dành cho các sàn giao dịch tiền KTS nội bộ, nổi bật nhất trong số đó là không cho phép các sàn mua bán, trao đổi các đồng tiền số ẩn danh như là Dash, Monero hoặc Zcash.
Cơ quan quản lý này đã khẩn trương gia tăng nỗ lực của mình để tránh lặp lại thêm lần nữa một sự kiện như Coincheck - vụ hack sàn giao dịch lớn nhất lịch sử với hơn 530 triệu đô tiền NEM bị mất cắp.
Bộ khung pháp lý mới đòi hỏi các nền tảng giao dịch TMH hoạt động trên lãnh thổ Nhật Bản phải tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời cải tổ lại hệ thống quản lý nội bộ sàn giao dịch.
Thái Lan chính thức ban hành khung luật liên quan đến tiền số đã có hiệu lực bắt đầu từ ngày 13/5/2018. Theo đó, Thái Lan quy định tiền số cũng như token số là tài sản số là rất cần thiết để ngăn ngừa trốn thuế, tội phạm, rửa tiền và những hoạt động phi pháp khác.
NHTW Thái Lan (BOT) cấm các ngân hàng thương mại thực hiện 5 hoạt động liên quan đến TMH, gồm: đầu tư hoặc kinh doanh TMH, trao đổi TMH, tạo nền tảng cho giao dịch TMH, cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để mua TMH và tư vấn cho khách hàng về đầu tư và giao dịch TMH. Đồng thời, Chính phủ cũng thực hiện đàm phán dự án TMH để tạo ra một nền tảng nhận dạng KTS quốc gia cung cấp bảo vệ người tiêu dùng và an ninh chống gian lận.
Một số nhận xét
Ở Việt Nam, thị trường TMH hiện nay đang phát triển rất sôi động, diễn biến phức tạp, có rất nhiều loại TMH được đầu tư và quảng bá trên thị trường, trong đó được quan tâm và đầu tư nhiều nhất là đồng tiền Bitcoin, Etherium và Litecoin.
TMH chưa được Nhà nước công nhận, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có khuyến cáo rằng các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngoại hối, Bitcoin và các loại TMH tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Ngày 21/8/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì xây dựng các quy phạm pháp luật, thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo ở Việt Nam.
NHNN chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản pháp luật về thuế với loại tiền này. Theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 01/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với xu hướng phát triển của TMH, sự công nhận của các nước trên thế giới, và những ưu điểm của TMH, Chính phủ nên có những quy định phù hợp để tạo sân chơi cho các nhà đầu tư, cụ thể: Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng và hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch TMH, cần đăng ký hoạt động với các cơ quan chức năng nhằm xác nhận quyền sở hữu tài khoản, lưu trữ các thông tin về lịch sử giao dịch; Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng TMH, cần phải có quy chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bán, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán, nghĩa vụ thuế liên quan đến sở hữu và sử dụng TMH cũng như các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; Đối với các cá nhân, tổ chức “đào” hay khai thác TMH, phải chịu thuế thu nhập trên khối lượng “đào được”.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý TMH trong dài hạn, cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của các loại TMH.