Các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão Yagi sớm ổn định lại cuộc sống.
Sáng 9/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ (NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã thông tin về cơn bão Yagi (Bão số 3) vừa đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc cuối tuần vừa qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ảnh hưởng của bão số 3 nằm ngoài sức tưởng tượng, chẳng khác gì "một bộ phim bom tấn thời chiến tranh". Theo ghi nhận, đây là cơn bão có sức gió mạnh nhất trên thế giới; cơn bão tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão ở Việt Nam (trong 8 tiếng tăng lên 4 cấp từ cấp 12 lên cấp 16); thời gian hoành hành khi đổ bộ vào đất liền dài nhất (bão gần như đứng im hơn 5 tiếng đồng hồ khi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng).
Đến thời điểm sáng 9/9, bão số 3 đã làm 24 người thiệt mạng, 250 người bị thương cùng hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập. Hệ thống hạ tầng điện, viễn thông ở Quảng Ninh, TP. Hải Phòng bị đứt quãng, mới khôi phục được một phần và các lực lượng đang nỗ lực khắc phục toàn bộ trong ngày hôm nay.
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho biết, số lượng cây xanh đô thị thiệt hại rất lớn, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm. Bão số 3 cũng gây thiệt hại gần 1 triệu ha diện tích rừng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục cho kiểm đếm, cắt tỉa và trồng thay thế, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới.
Về sản xuất nông nghiệp, theo thống kê sơ bộ, cơn bão gây thiệt hại gần 100.000ha diện tích lúa, trong đó khoảng 20.000ha có nguy cơ mất trắng. Cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó diện tích chuối thiệt hại 100%.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay theo Thứ trưởng là hoàn lưu cơn bão bắt đầu gây mưa từ chiều ngày 8/9 ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, chia cắt giao thông, liên lạc... Trong vòng 24 giờ, có nơi đo được lượng mưa trên 700mm. Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên có lượng mưa cao gấp đôi bình quân tháng 9 của địa phương đó.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là mực nước tại các sông suối phía Bắc đang tăng lên mức báo động 3, nguy cơ gây ngập lụt cho vùng hạ du, báo động sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê điều.
Trước hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão để lại, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão sớm ổn định lại cuộc sống.
Bà Pauline FaTima Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam chia sẻ, Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này. Cùng với đó, cam kết sẽ phối hợp với các đối tác để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai trong tương lai của Việt Nam.
Đại diện các tổ chức quốc tế đều cho rằng, bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp, để lại hậu quả quá lớn đối với người dân. Vì vậy, các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành phố với các hình thức khác nhau, góp phần giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.