Các yếu tố nào làm CPI 9 tháng năm 2024 tăng 3,88%?
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,88%; lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng CPI 9 tháng qua chịu tác động từ việc tăng của các nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Về các yếu tố làm tăng CPI, Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 14,23%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm. Đáng chú ý, giá gạo tăng 18,87% theo giá gạo xuất khẩu khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, bão lũ làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm.
Nhóm thực phẩm tăng 2,31%, làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm. Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% do trong năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm, do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.
Nhìn chung, CPI 9 tháng năm 2024 tăng do chịu tác động của các yếu tố giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu...