Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Fourth Industrial Revolution - FIR) hay còn gọi là Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang và sẽ là một xu thế lớn, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu.
Cuộc Cách mạng này được dự báo sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, trong khi gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa trên công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Xác định tầm quan trọng của cuộc CMCN 4.0, Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 07/4/2017 của Chính phủ khẳng định: “Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển. Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc CMCN lần thứ 4...”.
Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4” làm cơ sở định hướng cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân có những hành động thiết thực để tận dụng cơ hội và thách thức, không bỏ lỡ “chuyến tàu” CMCN 4.0.
Khái niệm về Cách mạng Công nghiệp 4.0
Ngày 20/01/2016, tại Thụy Sĩ, diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 đã diễn ra với chủ đề “Cuộc CMCN 4.0”, thu hút sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách đến từ hơn 100 quốc gia. Khái niệm Cuộc CMCN 4.0 được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị”.
Đặc điểm của cuộc CMCN này là các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (Internet of Thing - IoT) và Internet của các dịch vụ (Internet of Services - IoS), với ý tưởng là gắn kết thế giới ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc).
CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông và khoa học máy tính để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… Điều này đang và sẽ làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng, năng suất hơn, nhưng cũng sẽ làm gia tăng chênh lệch khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.
Ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu “đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế”.
Dự báo, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, không chỉ trong giai đoạn 2020, mà còn có ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.
Ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng hàng hóa trên TTCK
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế nói chung và các nhóm ngành hàng nói riêng, làm thay đổi cơ cấu nhóm ngành hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK.
Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Năng lượng (dầu khí, than) nhiều khả năng sẽ bị suy giảm sản lượng khai thác, do xu hướng thay đổi công nghệ hướng tới hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp dệt may, da giầy sử dụng nhiều lao động phổ thông giá rẻ sẽ mất lợi thế cạnh tranh, dẫn tới yêu cầu phải phân bổ lại lực lượng lao động. Những thay đổi về công nghệ cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp.
Khi có Internet kết nối vạn vật, lượng thông tin trao đổi sẽ tăng lên gấp nhiều lần, khả năng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng tăng lên, các doanh nghiệp sẽ sản xuất sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Việc đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động, giúp giảm đáng kể chi phí.
Do đó, nhiều doanh nghiệp với lợi thế về quy mô vốn có xu hướng đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp với các hệ thống cảm biến, mạng xã hội, thương mại điện tử, để kinh doanh và chăm sóc khách hàng, tạo điều kiện hình thành các mô hình kinh doanh mới, xuất hiện các loại doanh thu mới.
Điều này cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có những giải pháp tốt hơn trong vấn đề sở hữu trí tuệ thời đại số. Cuộc CMCN 4.0 cũng tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), đặc biệt là các doanh nghiệp về công nghệ.
Do vậy, TTCK sẽ được tiếp sức phát triển khi các doanh nghiệp niêm yết đón nhận nhanh chóng làn sóng công nghệ mới để tạo ra năng lực cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp khác. Ngược lại, TTCK sẽ là nơi huy động vốn để phát triển kinh tế nói chung và đầu tư vào khoa học công nghệ nói riêng, thúc đẩy cuộc CMCN 4.0 diễn ra mãnh mẽ, bùng nổ hơn.
Ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trên TTCK
Hệ thống mạng dựa trên các giải pháp đám mây sẽ là nơi lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu giao dịch. Nhà đầu tư ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia vào TTCK qua việc sử dụng Internet di động.
Nhờ CNTT, sự kết nối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn sẽ trở nên thông suốt hơn, cho phép các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) kết hợp với các ngân hàng thương mại thiết kế ra các sản phẩm tài chính mới giúp nhà đầu tư vay nợ thông qua thế chấp các chứng chỉ quỹ, phát triển các hình thức tiết kiệm liên kết đầu tư.
Nền hành chính điện tử sẽ đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch thông tin giúp các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận TTCK.
Tính đến hết năm 2016, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đạt 1,67 triệu tài khoản; trong đó 99,57% là nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, chỉ có 1,72% dân số Việt Nam (90 triệu người) tham gia đầu tư trên sàn chứng khoán.
Vì thế, nhu cầu tìm hiểu thông tin, phổ cập kiến thức về chứng khoán và TTCK là rất lớn. Công nghệ số với Internet di động sẽ giúp các nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư ở vùng nông thôn tiếp cận thông tin về TTCK nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn. Việc truyền tải dữ liệu và giao tiếp qua Internet cũng sẽ làm thay đổi cách thức đào tạo về chứng khoán và TTCK.
Nhà đầu tư có mật khẩu để có thể đăng nhập vào tài khoản, theo dõi các bài giảng bằng hình ảnh vào bất kỳ lúc nào, tham dự các kỳ thi trực tuyến để được cấp các chứng chỉ về chứng khoán và TTCK mà không cần theo học tập trung như hiện nay.
Ảnh hưởng đến các tổ chức trung gian thị trường
Cuộc CMCN 4.0 tạo ra cơ hội mới giúp các tổ chức trung gian thị trường nâng cao hiệu quả hoạt động. Các công ty chứng khoán (CTCK), CTQLQ có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý danh mục rủi ro, quản lý danh sách khách hàng, quản lý cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mô hình quản trị.
Mô hình CTCK số hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính, phần mềm di động qua môi trường mạng Internet trên thực tế đang và sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống của các CTCK, giúp cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại tới khách hàng.
Cung cấp dịch vụ chứng khoán qua Internet di động, thu thập phản hồi của nhà đầu tư qua môi trường Internet, phát triển chứng khoán số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế phát triển mạnh trong tương lai.
Sự giao thoa giữa các dịch vụ tài chính và công nghệ hình thành nên các công ty Công nghệ tài chính - Fintech. Điều này gây áp lực buộc các mô hình kinh doanh tài chính truyền thống phải thay đổi để bắt kịp xu thế cạnh tranh, trong đó có các CTCK, CTQLQ. Khi các CTCK tham gia cuộc CMCN 4.0, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ tốt với phí dịch vụ thấp hơn.
Với hạ tầng viễn thông ngày càng phát triển, việc chăm sóc khách hàng tại các CTCK theo phương thức từ xa qua video-call trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đó là lợi thế mà các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đều phải hướng đến, hình thành nên các tổ chức dịch vụ kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, các tổ chức trung gian trên thị trường cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao nguồn lực đầu tư cho công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý dữ liệu, quản trị công ty; có chính sách thu hút nhân tài, phát triển các kỹ năng mới cho nhân viên.
Ngoài ra, bảo mật thông tin cho khách hàng sẽ là một trong những trở ngại khi nhà đầu tư kết nối với các hệ thống điện tử, bởi trong môi trường kết nối thông minh, thông tin cá nhân của khách hàng có thể dễ dàng tra cứu và tìm kiếm, do đó vấn đề an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Sự phát triển của hạ tầng viễn thông kèm theo những thách thức mới về bảo mật đòi hỏi các dữ liệu phải được kiểm soát tốt.
Ảnh hưởng đến cách thức quản lý TTCK
CMCN 4.0 đang và sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, mô hình quản trị doanh nghiệp niêm yết, trình độ hiểu biết của nhà đầu tư, vì vậy, vấn đề được đặt ra không chỉ là công nghệ, kết nối các hạ tầng cơ sở mà còn là sự thay đổi về luật pháp, chính sách quản lý trên TTCK. Để vừa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và công chúng nói chung, lại vừa hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch