Nhân lực công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam bắt kịp Công nghiệp 4.0
Với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều lĩnh vực phát triển mạnh mẽ với công nghệ đột phá, buộc các quốc gia phải có sự chuẩn bị tốt về nhân lực. Tại Việt Nam, nhân lực cho các ngành công nghệ cao vẫn thiếu, vì vậy cần phải “đi tắt đón đầu” ở những lĩnh vực cụ thể.
Nâng cao trình độ nhân lực nội tại
Hiện Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) có 106 dự án được cấp phép, các doanh nghiệp phần lớn hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hóa chính xác, tự động hóa; cơ điện tử, bán dẫn; công nghệ sinh học và lĩnh vực hậu cần...Thời gian qua, Khu Công nghệ cao thành phố đã thực hiện việc đánh giá chỉ số về năng suất lao động để khắc phục hạn chế của những doanh nghiệp có nhiều lao động năng suất thấp.
Theo ông Lê Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong khu có nhu cao cầu về lao động, nhất là lao động có chuyên môn và có kỹ năng, nhân lực vận hành các máy móc thiết bị hiện đại cũng như nhân lực về tự động hóa đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ cao hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Để chủ động trước làn sóng mới, các công ty bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cũng chú trọng phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như nhu cầu phát triển. Công ty Cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Công ty Minh Nguyên), đơn vị đầu tiên trong nước tham gia chuỗi cung ứng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Công ty hiện có 150 công nhân được các chuyên gia Hàn Quốc đào tạo phục vụ vận hành máy móc hiện đại. Tất cả sản phẩm của Công ty Minh Nguyên đều được máy móc thực hiện, nhân công chỉ kiểm tra, chỉnh sửa khâu cuối.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, với xu thế công nghệ phát triển không ngừng như hiện nay, nhân lực trình độ cao để đáp ứng xu thế đó của Việt Nam chưa nhiều. Ông Phạm Bá Khiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Meetech đánh giá, nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đề ra ý tưởng và vận hành máy móc hiện đại hiện tại không có nhiều.
Nguồn nhân lực này chủ yếu xuất phát từ trường đại học nhưng tỉ lệ các nghiên cứu ứng dụng thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp rất thấp, đồng thời nguồn nhân lưc này lại thiếu một số kỹ năng khác. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bước đầu khởi nghiệp về công nghệ thành công nhưng khi vận hành lại liên tục thất bại do chưa đào tạo bài bản vấn đề quản trị kinh doanh.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp để thay đổi trình độ lao động, có lộ trình nâng cao năng suất và nâng cao chất lượng lao động. Trung tâm vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực hiện có của doanh nghiệp, vừa đào tạo nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Năm 2016, Trung tâm đã tuyển dụng 16 kỹ sư, trong đó có 9 người được đào tạo ở Nhật Bản. Chính các công tác này đã góp phần thay đổi và nâng cao chất lượng lao động, nâng cao năng suất doanh nghiệp.
Đón làn sóng FDI mới
Để tạo điều kiện đào tạo nhân lực trình độ cao gắn với thực tiễn, đầu năm 2017, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã được đầu tư xưởng thực hành tự động hóa, đồng thời tiến tới nâng cấp thành trung tâm Việt - Nhật chuyên về tự động hóa tại khu vực phía Nam.
Dự án được hỗ trợ bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đối tác. Xưởng thực hành có nhiều thiết bị tự động hóa hiện đại, trong đó có 4 cánh tay robot công nghiệp.
ThS. Đỗ Tân Khoa, chuyên viên tại Xưởng thực hành tự động hóa cho biết, mục tiêu của Dự án là phát triển đội ngũ chuyên gia đào tạo hệ thống Robot tại Khu Công nghệ cao và nâng cao năng lực của chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy robot công nghiệp.
Ngoài ra, dự án cũng phát triển các kỹ sư có khả năng đóng góp vào ngành công nghiệp và sản xuất công nghệ cao quốc gia thông qua thực hiện đào tạo cho các cơ quan nhà nước, các trường đại học cùng các doanh nghiệp.
Dù mới được thành lập đầu năm 2017, Xưởng đã đào tạo 6 chuyên viên để giảng dạy và đào tạo lại cho nhân lực của 35 doanh nghiệp và gần 100 sinh viên thực hiện đồ án tại xưởng. Việc triển khai Dự án tiến tới xây dựng Trung tâm Việt - Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn và trình độ cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI Nhật Bản.
Những nỗ lực trên là nền tảng để xây dựng nhân lực cho những ngành công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nhỏ, bởi trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh nhân lực trình độ cao còn phải chú trọng đến lao động có tay nghề tốt để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.