Cách nào thoát khỏi vùng đáy của chuỗi giá trị?
Giá trị gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp. Mặc dù sản phẩm xuất khẩu có thể có hàm lượng công nghệ cao, song Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa thoát khỏi đáy của chuỗi giá trị. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp tăng cường sự hợp tác cũng như tính lan tỏa của DN FDI và DN nội địa.
Những con số biết nói
Mặc dù khối DN FDI đóng góp quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam với 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần quan trọng nâng kim ngạch xuất siêu, song theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nhập khẩu mua nguyên liệu, bán thành phẩm chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của khối DN này. Tỷ lệ này cao gấp năm lần các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và cũng cao hơn nhiều các nước trong top 5 Đông Nam Á.
Hơn nữa, phần lớn các nguyên vật liệu, linh kiện, bán thành phẩm cấu thành hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại Việt Nam lại do các DN FDI đảm nhiệm, các DN nội địa đóng góp phần rất nhỏ.
Như vậy, giá trị gia tăng tại Việt Nam của hàng hóa xuất khẩu của các DN FDI thấp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn khá thấp so với yêu cầu và tiềm năng trên cả hai phân khúc, đối với cả DN hỗ trợ có vốn FDI và quan trọng hơn, các DN nội địa tham gia công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng khá thấp, ở những phân khúc giản đơn, không có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng thấp.
Nếu giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của DN FDI là 60%, thì giá trị gia tăng của DN nội địa chiếm tỷ lệ rất thấp trong số đó. Điều đó cũng thể hiện sự hợp tác cũng như tính lan tỏa của DN FDI và DN nội địa còn khá lỏng lẻo, không như kỳ vọng, trong khi đây là một mục tiêu quan trọng của thu hút FDI.
Với cách tiếp cận như hiện nay, thật khó có thể kỳ vọng khu vực FDI có thể làm tốt chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ nguồn, đòn bẩy để Việt Nam có thể vươn lên các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.
Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài
Theo các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, trước hết, cần có tư duy mới về thu hút FDI, do mục tiêu thu hút FDI giai đoạn trước đây và hiện nay đã có những thay đổi. Cần tạo lập môi trường đầu tư mới với chất lượng cao.
Kinh tế vĩ mô khá ổn định trong nhiều năm qua là một lợi thế rất lớn của Việt Nam, song cần cải thiện sự minh bạch và ổn định về chính sách, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực và đạo đức công chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt các cam kết quốc tế đa phương và song phương, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tiên tiến và đồng bộ, đẩy mạnh phát triển logistics, công khai các quy hoạch địa phương, vùng kinh tế và quốc gia...
Để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, và hạn chế dẫn đến loại bỏ các dự án chất lượng và hiệu quả thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường..., cần xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Hoàn thiện chính sách bảo hộ đầu tư theo các cam kết quốc tế như Nghị quyết 50-NQ/TW 2019 đã chỉ rõ.
Để tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước cũng như giữa các DN FDI, cần có chế tài quy định trách nhiệm và cam kết của DN FDI cũng như cơ chế giám sát các dự án đầu tư ngay từ khi hình thành và triển khai thực hiện.
Gần đây, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh, kiểm tra một số DN FDI và phát hiện nhiều sai phạm, truy thu hàng trăm tỷ đồng và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Đây là những mắt lọc quan trọng làm trong sạch môi trường đầu tư, tạo sân chơi minh bạch và công bằng, cũng là lời cảnh tỉnh đối với một số nhà đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu trục lợi thông qua kẽ hở của pháp luật và cơ chế quản lý giám sát còn nhiều bất cập.
Đối với phát triển các DN hỗ trợ nội địa, ngoài việc có chính sách khuyến khích các DN FDI liên kết hỗ trợ các DN nội địa về công nghệ và quản lý, cần có cơ chế và xây dựng chương trình hỗ trợ các DN nội địa tham gia chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt ở những phân khúc có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Sự tham gia của các DN nhỏ và vừa có thể là giải pháp giải quyết vấn đề vốn, công nghệ và quản trị khi phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, cần cải tiến công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, không chồng chéo, có trọng điểm, quan tâm đến các quốc gia tiên tiến có nhiều tiềm năng, chú trọng hơn nữa xúc tiến đầu tư tại chỗ...
Thoát khỏi vùng đáy của chuỗi giá trị và bẫy thu nhập trung bình cần là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Trong đó, tận dụng hiệu quả hoạt động của DN FDI là một giải pháp. Muốn vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạnh dạn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là những nội dung then chốt.