Cách nào vượt thách thức khi triển khai ISO 45001 tại doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Quá trình tìm hiểu, triển khai áp dụng ISO 45001 tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với 3 khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, áp dụng ISO 45001, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội đạt được lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.
Tiêu chuẩn quốc tế ISO 45001:2018 về quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp cung cấp một quá trình hiệu quả để cải tiến an toàn lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nó được thiết lập để giúp đỡ các tổ chức thuộc nhiều quy mô và ngành nghề khác nhau. Đồng thời, tiêu chuẩn quốc tế mới này cũng được mong đợi sẽ giúp giảm thương tích và bệnh tật tại nơi làm việc trên toàn thế giới.
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (QUATEST 2) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ISO 45001:2018) và Hệ thống quản lý kinh doanh liên tục cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”, bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2022.
Quá trình tìm hiểu, triển khai áp dụng ISO 45001 tại các doanh nghiệp, xác định có 3 khó khăn, thách thức lớn mà các doanh nghiệp gặp phải.
Thứ nhất, doanh nghiệp khó khăn về tài chính khi triển khai áp dụng. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động với nguồn tài chính hạn chế, do đó chi phí để triển khai áp dụng ISO 45001 và đạt được chứng nhận ISO 45001 là một vấn đề đáng cân nhắc trong tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay. Các chi phí có thể bao gồm chi phí sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng; huấn luyện an toàn lao động cho nhân viên, quan trắc môi trường lao động; kiểm định thiết bị an toàn…
Để góp phần hạn chế thách thức về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xem xét các chương trình, dự án hỗ trợ tài chính để triển khai áp dụng ISO 45001 cho doanh nghiệp mình. Do đó, việc tìm hiểu và trao đổi thông tin với các tổ chức, đơn vị thực hiện dự án là điều đáng quan tâm khi mong muốn áp dụng ISO 45001 cho doanh nghiệp.
Tính đến nay, đã có 20 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí áp dụng từ nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018 và Hệ thống quản lý kinh doanh liên tục cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”.
Trong đó, có 4 doanh nghiệp đã được đánh giá, cấp Giấy chứng nhận phù hợp ISO 45001:2018 từ tổ chức chứng nhận độc lập như Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT), Công ty cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol.
Thứ hai, doanh nghiệp thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (OH&S). Lý do là một doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có ít nhân viên, do đó khả năng một doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhân sự OH&S chuyên trách sẽ rất khó. Vì vậy, doanh nghiệp muốn bắt đầu tư đâu để có kiến thức về OH&S, đầu tiên, hãy áp dụng tiêu chuẩn ISO 45001 và làm quen với các yêu cầu, tiêu chí của nó. Sau đó, hãy nghĩ đến việc bổ nhiệm một người quản lý dự án, chịu trách nhiệm phối hợp, để thực hiện áp dụng ISO 45001.
Thứ ba, doanh nghiệp thiếu nguồn lực và thời gian cần thiết để thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, một hệ thống quản lý OH&S được vận hành hiệu quả không đòi hỏi nhiều nguồn lực hoặc thời gian để duy trì, miễn là OH&S được tất cả người lao động coi là quan trọng và đánh giá cao cũng như trách nhiệm được lên kế hoạch thực hiện, trao đổi thông tin và phân công trách nhiệm rõ ràng. Việc đảm bảo nhân viên của doanh nghiệp có kiến thức, đào tạo và nhận thức phù hợp sẽ không chỉ cải thiện hiệu suất OH&S của doanh nghiệp mà còn trang bị cho nhân viên tham gia xác định và đánh giá rủi ro, tham gia và tham vấn trong các cuộc họp OH&S cũng như đưa ra đề xuất để cải thiện hiệu suất của OH&S doanh nghiệp.
Mặc dù có những trở ngại đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi triển khai áp dụng ISO 45001, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tư duy tiến bộ sẽ nhận ra rằng bằng cách áp dụng ISO 45001, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội đạt được lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ và chứng minh cho khách hàng tiềm năng thông qua một hệ thống quản lý OH&S có hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, việc triển khai áp dụng ISO 45001 sẽ cải thiện nơi làm việc, sự gắn kết và sự tin cậy của nhân viên. Từ đó, những lợi ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phản ánh về tình hình tài chính cũng như an toàn và phúc lợi của người lao động…