Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa XII, Ðề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong ba đề án quan trọng đã được Hội nghị thông qua. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm phù hợp để tiến hành cải cách chính sách BHXH.
Tại Hội nghị Trung ương 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đánh giá, chính sách BHXH của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn cần phải cải cách, điều chỉnh nhiều nội dung để khắc phục những hạn chế, yếu kém, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp xu hướng phát triển và bối cảnh mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cũng nêu rõ 9 nội dung cần tập trung cải cách chính sách được đề cập trong Ðề án Cải cách chính sách BHXH.
Trong đó, đầu tiên cần phải xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, bao gồm: Lương hưu xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung nhằm tăng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tạo cơ hội cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu.
Nhanh chóng sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt, đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng.
Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Tiếp đó, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH. Ðẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH.
Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, cũng như tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và xuất hiện các hình thức quan hệ lao động mới. Bởi tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế hiện nay đang thấp hơn so với quy định của pháp luật.
Nhanh chóng sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. Ðiều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế. Và cuối cùng là xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Tăng tuổi hưu phù hợp với ngành nghề
Có thể nói, một trong những vấn đề trọng tâm trong cải cách BHXH được nhiều người dân quan tâm là nâng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Trong bối cảnh đó, để bù đắp sự thiếu hụt của thị trường lao động, cũng như góp phần thực hiện cân đối Quỹ BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu được thực hiện hàng loạt ở các nước từ năm 2010 đến nay.
Tại phiên thảo luận về Ðề án cải cách chính sách BHXH ngày 10.5 vừa qua, phần lớn số đại biểu cho rằng, tăng tuổi hưu là xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam sắp phải đối mặt với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm cân đối quỹ BHXH. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu càng sớm thì càng có lộ trình để thực hiện.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung, tuổi nghỉ hưu thực tế của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực, bình quân là 54,3 tuổi (nam là 55,6 tuổi; nữ là 52,6 tuổi). Mức đóng BHXH bình quân là 22%, mức hưởng 70% trung bình. Nam đóng bảo hiểm hiện nay bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu 22,5 năm, nữ đóng bảo hiểm 23 năm nhưng hưởng lương hưu tới 27 năm sau khi về hưu.
Do vậy, việc quỹ tự cân đối là rất khó khăn, nếu chúng ta không quyết tâm thì không thể làm được. Ðây là “thời cơ vàng” để quyết định chủ trương này. Nếu bắt đầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 thì phải tới năm 2025 mới có những phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 (với phương án mỗi năm tăng ba tháng tuổi hưu).
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp đối tượng. Cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động, thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm.
Như vậy, nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề, cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù. Thêm vào đó cần có các chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này nếu họ còn lao động…
Ðề án cải cách chính sách BHXH cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp các yếu tố tăng trưởng kinh tế, với giải quyết bài toán về việc làm, thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.