Cải cách để vừa thực thi các FTA vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách

Trần Huyền

Việc tham gia vào các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn và lộ trình cắt giảm thuế nhanh hơn đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với thu ngân sách nhà nước.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Chiều 1/11, tại Ninh Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Nghiên cứu hải quan (Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội thảo khoa học về thực thi cam kết FTA và những vấn đề liên quan đến thu ngân sách nhà nước.

Cơ hội, thách thức đan xen

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và chuyển hóa được các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành những kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ; phát triển các khu vực kinh tế trong nước và xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế... Qua đó, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Đặc biệt, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn và lộ trình cắt giảm thuế nhanh hơn đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc gia nhập các FTA cũng đem lại cho nền kinh tế Việt Nam không ít thách thức cần phải vượt qua để phát triển, bắt kịp với xu thế hội nhập của thế giới. Sự xuất hiện của các phương thức kinh doanh mới, sự phát triển của thương mại điện tử cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết của các FTA dẫn tới việc hàng hóa trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu.

Cùng với đó, các ngành hàng sản xuất trong nước cũng chịu tác động trực tiếp từ những biến động trên thị trường thế giới... làm ảnh hưởng đến tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng. Xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài... 

Cải cách để ứng phó với giảm nguồn thu

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích điểm tích cực cũng như thách thức của việc thực hiện các FTA đối với kinh tế nói chung và thu ngân sách nhà nước nói riêng. ThS. Tô Kim Huệ - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn và lộ trình cắt giảm thuế nhanh hơn đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia và khu vực khác.

Việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí trong giai đoạn vừa qua đã góp phần động viên hợp lý, kịp thời nguồn lực cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững hơn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Đặc biệt, nguồn thu ngân sách nhà nước đa dạng hơn, thu từ các sắc thuế gắn với sản xuất và tiêu dùng trong nước có xu hướng ngày càng tăng, đáng kể nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế thu nhập cá nhân. Sự gia tăng vai trò của các khoản thu này đã làm cho hệ thống thu ngân sách nhà nước của Việt Nam có tính bền vững hơn.

Tuy nhiên, theo phân tích đại diện Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), việc giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các đối tác FTA sẽ làm giảm một phần nguồn thu từ thuế nhập khẩu, vốn là một nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Mặc dù việc giảm thuế nhập khẩu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng, nhưng trong ngắn hạn lại gây khó khăn cho ngân sách nhà nước, đặc biệt khi các nguồn thu thay thế chưa được phát triển đầy đủ.

Ông Nông Phi Quảng – Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan do các FTA có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan. Tác động giảm thu trực tiếp là phần giảm thu đơn thuần do thuế suất áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước đã ký FTA giảm xuống do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế.

Tác động giảm thu gián tiếp từ chuyển hướng thương mại, là khi các nhà nhập khẩu thay thế hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngoài FTA và xoay sang nhập từ các nước trong FTA để được hưởng ưu đãi về thuế. Tính thay thế giữa các sản phẩm chế tạo tại các nước khác nhau không cao do việc chọn nhập khẩu từ nước nào còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như chất lượng, thương hiệu, mẫu mã…

Số giảm thu ngân sách của ngành Hải quan do thực hiện các cam kết của FTA năm 2021 giảm khoảng 17.600 tỷ đồng, năm 2022 giảm khoảng 16.500 tỷ đồng, năm 2023 giảm khoảng 15.000 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến giảm khoảng 14.000 tỷ đồng.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thu Nhiễu - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh cho biết, trên địa bàn quản lý của đơn vị, thực hiện theo lộ trình cắt giảm thuế quan tại các FTA đối với các mặt hàng như khoáng sản, than, linh kiện sản xuất… số thu giảm khoảng 850 tỷ đồng. Năm 2024, đến thời điểm này, số thu ngân sách nhà nước của đơn vị đã đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo bà Nhiễu, nếu không bị tác động của FTA thì số thu đến tháng 11 của Hải quan Hà Nam Ninh đã đạt dự toán năm 2024.

Để ứng phó, giải pháp tiên quyết được các chuyên gia khuyến nghị chính là cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam phải thực hiện các biện pháp cải cách chính sách thuế và hải quan để bù đắp sự sụt giảm này. Cải cách chính sách thuế và hải quan phải bảo đảm hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phức tạp về quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật trong các FTA.

Điều này đòi hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan phải nâng cao năng lực về công nghệ, quy trình kiểm soát và quản lý để bảo đảm tính minh bạch, chính xác và nhanh chóng trong quy trình xử lý thuế quan và xuất nhập khẩu.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, việc tham gia các FTA mang lại rất nhiều thuận lợi, cơ hội. Rõ rệt nhất là việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chỉ tính riêng năm 2024, 10 tháng qua, tổng kim ngạch đã gần đạt tới 600 tỷ USD. Đây là điểm rất tích cực.

Theo Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng, để giảm tác động của FTA đến thu ngân sách nhà nước, một trong những giải pháp cần chú ý là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để bảo đảm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu tận dụng tốt hơn ưu đãi. Từ đó, gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần xác định chính xác hơn đối tượng được miễn thuế, đối tượng phải chịu thuế, xây dựng hệ thống quản lý dễ kiểm soát để tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả.

Đối với thương mại điện tử, Phó Tổng cục trưởng cho hay, năm 2024, kim ngạch của loại hình hàng hóa này có thể vượt 50 triệu USD và vẫn đang tăng trưởng rất nhanh. Hiện, Tổng cục Hải quan đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý với loại hình hàng hóa này. Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý.

Về thực thi, cần tổ chức có hiệu quả, nhất là áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý thu, hình thức thu ngân sách nhà nước. Các cơ quan quản lý cũng cần trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác này thay cho nguồn lực con người để tối ưu hiệu quả.