Cải cách môi trường kinh doanh để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế
Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh chưa từng có đến kinh tế toàn cầu nói chung và của từng quốc gia nói riêng. Chính phủ tất cả các nước đều thực hiện các giải pháp chính sách vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Cải cách cải thiện môi trường kinh doanh được coi là một trong các giải pháp chủ yếu.
COVID-19 là cơ hội để thực hiện các cải cách
Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ được phân chia theo ba giai đoạn: Giai đoạn dịch bệnh bùng phát, giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế, giai đoạn phục hồi và xây dựng sức sống chịu của nền kinh tế.
Tôi muốn nhấn mạnh đến cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phục hồi kinh tế và gia tăng sức chống chịu sau khủng hoảng.
Một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.
Tại thời điểm khủng hoảng, ít rào cản gia nhập thị trường có thể giúp hạn chế suy giảm mật độ doanh nghiệp; khung khổ pháp lý minh bạch, hợp lý sẽ hỗ trợ đội ngũ doanh nhân theo đuổi các hoạt động sản xuất và các doanh nghiệp sẽ phân bố lại nguồn lực khan hiếm vào ngành, sản phẩm có tiềm năng trong giai đoạn khủng hoảng.
Ở không ít quốc gia, khủng hoảng kinh tế thúc đẩy cải cách thể chế một cách có hệ thống; và lợi ích mà những cải cách như thế tạo ra là rất đáng kể trong và sau khủng hoảng.
Thực tế diễn ra tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nhất là ở Hàn Quốc, trong và sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 90 thế kỷ trước là thí dụ điển hình.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều cực kỳ quan trọng bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư.
Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi.
Do đó, ở đâu có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh; có thể chế bảo đảm bảo vệ tài sản và các quyền giao kết hợp đồng thì ở đó, dễ dàng khởi sự kinh doanh, thích nghi với các quy định mới, và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Chất lượng môi trường kinh doanh cũng có vai trò quan trọng đối với đầu tư nước ngoài và sự kiên kết của các doanh nghiệp nội địa với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế cho thấy, cải thiện hiệu quả các quy định về thị trường hàng hóa và tạo thuận lợi cho kinh doanh sẽ hỗ trợ mạnh đối với phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Nhiều chính phủ đã và đang chú trọng vào các cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Khủng hoảng kinh tế có thể tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho những cải cách thể chế cơ bản và có hệ thống. Như vậy, các chính phủ có thể tận dụng khủng hoảng đại dịch COVID-19 để thực hiện các cải cách như thế.
Sử dụng khung khổ dữ liệu định hướng (data driven) để đánh giá các lĩnh vực có nhu cầu và có dư địa phát triển sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các ưu tiên chính sách.
Khung khổ dữ liệu định hướng có thể đưa ra những khám phá ban đầu thông qua trả lời các câu hỏi quan trọng như: Đất nước đã chuẩn bị như thế nào để vượt qua khủng hoảng và phục hồi?
Các nhà hoạch định chính sách đã linh hoạt như thế nào trong việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn?
Các giải pháp hỗ trợ đã đến các đối tượng chính sách ở mức nào thông qua các kênh chính thức?
Các quy định pháp luật về kinh doanh và thể chế được xây dựng hỗ trợ như thế nào đối với phục hồi của khu vực tư nhân… từ đó, xác định các cơ hội cải cách tiếp theo.
Cũng cần phải giảm sự phân chia và khoảng cách số. Đối với các nhà hoạch định chính sách điều này cần phải vừa số hóa hệ thống các hệ thống, vừa đơn giản hóa quy trình thủ tục hiện hành.
Trong một số trường hợp, cải cách toàn bộ thể chế hiện hành là không tránh khỏi, như các quy định pháp luật điều chỉnh hồ sơ điện tử, các mối quan hệ G2B, B2B phải được ban hành hoặc làm mới lại.
Các nhà hoạch định chính sách cũng phải tính đến việc hỗ trợ những nhóm dân cư bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch (như phụ nữ) khi xác định các ưu tiên cải cách thể chế.
Cuối cùng, các chính phủ phải bảo đảm các giao kết và quyền tài sản phải được thực thi. Bởi vì, trên toàn cầu, xử lý nợ và số phá sản sẽ gia tăng.
Trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đã chịu tác động mạnh, phải đóng cửa, giải thể.
Do đó, rất cần sự bảo đảm quyền tài sản và thực thi hợp đồng sau đại dịch, và điều đó cũng làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư.
Trọng tâm là cải cách thế chế
Cải cách cải thiện môi trường kinh doanh luôn là một trong các trọng tâm của đột phá thể chế. Trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì cải cách này lại trở nên cấp bách hơn.
Ở Việt Nam, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; làn sóng sau phức tạp hơn, rộng hơn và tác động xấu hơn so với làn sóng trước.
Cho đến nay, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt. Tuy vậy, nền kinh tế, cuộc sống và sinh kế của người dân vẫn chịu tác động lớn, bất lợi chưa từng có.
Cả trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn; hàng chục triệu lao động mất việc, giảm việc, giảm thu nhập… và một số không nhỏ phải chuyển sang khu vực phi chính thức. Chất lượng sống của họ và gia đình họ giảm sút.
Một số ngành như du lịch, vận tải hành khách, lưu trú, nhà hàng... liên tục suy giảm mạnh, có có nơi, có lúc bị tê liệt.
Tăng trưởng kinh tế đã giảm sút mạnh, năm 2020 tăng trưởng 2,91%, và sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Dịch bệnh và tác hại của nó trên tất cả các mặt vẫn tiếp diễn.
Cũng giống như chính phủ các nước, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đối phó với dịch bệnh.
Như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giảm, giản nộp thuế, bảo hiểm xã hội, miễn, giảm phí một số dịch vụ công, giảm, giản nộp tiền thuê đất... và đặc biệt là đã đưa ra gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, lớn chưa từng có.
Năm 2021, một số chính sách hỗ trợ nói trên vẫn tiếp tục thực hiện.
Về triển khai thực hiện, thì hiệu lực một số gói hỗ trợ không cao; số doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm thuế, bảo hiểm xã hội không nhiều; gói hỗ trợ an sinh chỉ giải ngân được khoảng 13%, nhưng chủ yếu là người có công với cách mạng.
Dịch vụ công trực tuyến cũng được đẩy mạnh hơn, nhưng áp dụng công nghệ trong chống dịch, trong hoạch định chính sách nhìn chung còn hạn chế.
So với kinh nghiệm quốc tế, tinh thần giảm, nới lỏng quy định, linh hoạt trong áp dụng quy định để hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu với dịch bệnh vẫn còn thiếu vắng.
Trong khi dịch bệnh còn lây lan, tác động xấu đến đầu tư kinh doanh, thì đề xuất áp dụng mã số mã vạch, gắn camera hành trình trên ô tô chở khách, bắt buộc sàn giao dịch điện tử phải khai báo, nộp thuế thay cho người bán hàng... là những thí dụ điển hình cho thực trạng nói trên.
Đáng lo ngại, cải cách cải thiện môi trường kinh doanh nói chung bị chững lại kể từ khi đại dịch bùng phát. Những phân tích, đánh giá xác định khu vực tiềm năng, những ưu tiên chính sách, và đặc biệt là những ưu tiên, trọng tâm của cải cách thế chế để phục hồi tăng trưởng nhanh sau đại dịch vẫn còn trong “im lặng”.
Quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự của các cơ quan có thẩm quyền không khác nhiều so với trước.
Kinh nghiệm quốc tế như trình bày trên đây cho thấy chương trình cải cách thể chế sâu rộng và bài bản là cần thiết để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch. Và kinh nghiệm ở Việt Nam trong mấy chục năm qua cũng chứng tỏ điều đó.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Luật Doanh nghiệp mới đươc ban hành cùng với bãi bỏ hầu hết các loại giấy phép không cần thiết đã thổi “luồng sinh khí mới” vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Nhờ đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện mạnh mẽ chưa từng có; khu vực tư nhân đã bừng nở và phát triển.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009-2010, một chương trình tài cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được thực hiện (từ năm 2013) và kế tiếp (từ năm 2014) là một chương trình cải thiện môi trường kinh doanh để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ 2015-2020.
Dẫn lại những kinh nghiệm quốc tế và trong nước để thấy rằng, một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột biến và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.