Đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh: Những tín hiệu lạc quan
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu về giữ vững tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trên tinh thần vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, vừa chủ động phòng chống dịch Covid-19.
Từ đầu năm đến nay, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ ban hành nhiều giải pháp ứng phó nên hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững tăng trưởng. Trong đó, có sự đóng góp khá quan trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%, khai khoáng tăng 5,7%; sản xuất và phân phối điện tăng mạnh với 40,4%, đặc biệt là đã hoàn thành đưa vào vận hành Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 (giai đoạn 1) có công suất 50MW vào tháng 2/2021.
Cùng với đó, hoạt động thương mại cũng đã và đang tổ chức mạng lưới phân phối rộng khắp đến các vùng nông thôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường gắn với thông điệp "5K". Ngành chức năng đã khuyến khích và nhân rộng các mô hình giao dịch thương mại điện tử và thanh toán qua mạng, góp phần cho hàng hóa được lưu thông, phân phối rộng khắp và đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong mùa dịch. Đến nay, các siêu thị, cửa hàng và các chợ đầu mối đảm bảo hàng hóa phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt, không có tình trạng thiếu hàng hay sốt giá.
Riêng thị trường xuất khẩu tiếp tục được giữ vững và có chiều hướng tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ở các nước nhập khẩu cơ bản được kiểm soát tốt, người dân đã được tiêm ngừa phòng dịch nên thị trường xuất khẩu thủy sản tăng mạnh và dự báo sẽ còn tăng cao trong những tháng cuối năm 2021. Bởi theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đứng thứ 8 trong tốp 10 tỉnh, thành của cả nước về xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Công thương, từ nay đến cuối năm, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như: các điều kiện để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại còn thiếu và yếu nên chưa tạo được sức bật lớn cho tăng trưởng; các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực sản xuất - kinh doanh hạn chế, tính cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm chưa cao; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn, mặc dù một số nước đã có vắc-xin ngừa bệnh; Hiệp định thương mại tự do được thực thi nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá cước vận chuyển hàng hóa, chi phí thuê container đều tăng, đặc biệt là chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch... Từ đó làm giảm tính cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác có cùng mặt hàng…
Theo ông Phan Văn Sáu - Giám đốc Sở Công thương, với quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” và đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cùng với hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, ngành Công thương sẽ tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện gió và dự án Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu. Hỗ trợ hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành các Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 1 (50MW) dự kiến trong 7/2021; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 (50 MW), Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2 (50MW) dự kiến trong tháng 7/2021; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 (50MW) dự kiến trong tháng 10/2021; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (80MW) dự kiến trong tháng 10/2021; Nhà máy Điện gió Kosy - Bạc Liêu (40MW) dự kiến trong tháng 10/2021.
Khi các dự án điện gió này đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong phát triển công nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... Cùng với đó, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Điện LNG Bạc Liêu, phấn đấu khởi công dự án vào năm 2021…