Cải cách thủ tục hành chính - bước đi đầu tiên để cải thiện môi trường kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều tuyên bố, văn bản để cải cách những thủ tục sát sườn đối với doanh nghiệp như về đăng ký thành lập, nộp thuế, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội... Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, cải cách thủ tục hành chính mới chỉ là bước đi đầu tiên cải thiện môi trường kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để tiếp tục chương trình cải cách thủ tục hành chính về thành lập, giải thể doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, việc liên thông các thủ tục này sẽ giúp giảm được 50% số thủ tục và thời gian khởi sự doanh nghiệp chỉ còn năm ngày thay vì 16 ngày như hiện nay, tương đương với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Công an... cũng tiếp tục rà soát và đưa ra nhiều đề xuất khác để đơn giản hóa thủ tục khởi sự doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tư pháp, Bộ Công an đề xuất sử dụng mã số doanh nghiệp là mã số chung duy nhất; sử dụng chữ ký số thay cho con dấu (hiện đã cấp 410 nghìn chữ ký số trong số 485 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động).

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, thực hiện mua hóa đơn trong một ngày; bỏ thuế môn bài; bỏ quy định mua hóa đơn và nộp thuế đối với người cho thuê nhà; giảm thủ tục và cải tiến quy trình thủ tục liên quan đất đai; hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi cả nước sẽ giảm thời gian cấp phép đầu tư từ 190 ngày xuống 45 ngày. Bộ Công thương cũng tiến hành rà soát, qua đó đã giúp giảm thời gian tiếp cận điện từ 132 ngày xuống 37 ngày.

Ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành, thì không thể không nhắc đến nỗ lực của các địa phương. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động đơn giản hóa thủ tục đầu tư và chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức, từ đó, cải thiện vị trí trên Bảng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đến nay có 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản, chính sách cải thiện PCI qua nhiều hình thức như nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, lập tổ công tác... Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã triển khai cung cấp khoảng 1.700 dịch vụ công qua mạng, giúp doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí để thực hiện như khi thực hiện thủ tục bằng giấy.

Tuy nhiên, các báo cáo gần đây của World Economic Forum hay của Ngân hàng Thế giới đều cho thấy, nước ta đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại xa phía sau khi các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều đang vươn lên mạnh mẽ. Nói cách khác, cải cách thủ tục hành chính không phải là viên thuốc thần để cải thiện môi trường kinh doanh, dù là một nỗ lực cần được ghi nhận của các bộ, ngành và địa phương.

Theo nghiên cứu của TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Hà Nội, cải cách thủ tục hành chính chỉ là một bước trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta. Môi trường kinh doanh được đo lường bằng khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nếu mỗi điểm tăng thêm của chỉ số cải thiện của chỉ tiêu gia nhập thị trường, chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập (thông qua cải cách thủ tục hành chính) có thể giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp thêm 6%. Hay mỗi điểm tăng thêm của việc giảm chi phí không chính thức bằng cải cách, minh bạch hóa thủ tục hành chính chỉ có thể giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp từ 8-9%.

Trong khi đó, chỉ tiêu về đào tạo lao động, chất lượng pháp lý và bảo vệ hợp đồng mới là những chỉ tiêu có ảnh hưởng mạnh nhất đến doanh thu của doanh nghiệp. Một điểm gia tăng trong chỉ tiêu pháp lý và bảo vệ hợp đồng có thể cải thiện 10 % doanh thu của doanh nghiệp; một điểm gia tăng trong chỉ tiêu đào tạo lao động có thể làm cho doanh thu của doanh nghiệp tăng thêm 15%. 

Như vậy, cải cách thủ tục hành chính mới là bước đi đầu tiên của cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta. Thực tế đang đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều cải cách triệt để khác để nâng cao sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, cũng như tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.